Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Philippines trở thành đối tác chiến lược thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN và là đối tác chiến lược thứ 15 của Việt Nam. Ảnh: VOV. |
Để hiểu rõ hơn quá trình phát triển, nội hàm và tác dụng của chủ trương lớn này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao.
Thưa ông, ý tưởng về xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được hình thành từ khi nào?
Ông Trần Việt Thái: Chủ trương này được hình thành từ năm 2000 trên cơ sở những nhân tố chủ quan và khách quan.
Về khách quan, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Từ đó, sự đan xen về lợi ích, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, đòi hỏi các quốc gia phải thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, luật pháp quốc tế đã tương đối phát triển. Cũng vì thế, khả năng sử dụng vũ lực được giảm thiểu, vai trò của các liên minh quân sự không còn như trước.
Sự liên kết và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tư duy bảo vệ Tổ quốc càng cần thay đổi. Liên minh châu Âu trở thành hình mẫu về liên kết quốc tế và đặt ra cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Trên thế giới, Nga là nước đầu tiên chủ trương xây dựng đối tác chiến lược thay cho các liên minh quân sự kiểu cũ. Nga cũng là nước đầu tiên đề xuất và ký quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2001.
Về chủ quan, sau khi tiến hành đổi mới, mở cửa, tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) Việt Nam nêu rõ quan điểm “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, rồi từng bước chuyển sang thực hiện “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.” Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào cuối những năm 1990. Thời kỳ này, điểm nổi bật là Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại rất nhanh về diện, nhưng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Bước sang thế kỷ 21, trong bối cảnh cục diện quốc tế biến đổi sâu sắc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh, đòi hỏi công tác đối ngoại phải tiếp tục đổi mới để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới.
Chính vì vậy, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ngoại giao Việt Nam đã xây dựng một loạt đề án trình lãnh đạo cấp cao về việc làm sâu sắc hơn quan hệ với một số đối tác chủ chốt ở khu vực và trên thế giới, chứ không chỉ là mở cửa, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại một cách đơn thuần.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), Đảng ta chủ trương “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.” Đây là bước phát triển cao nhất trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có đặc điểm gì nổi bật?
Ông Trần Việt Thái: Trong số hơn 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, có khoảng 60 quốc gia có sức mạnh đáng kể về kinh tế, chính trị, khoa học và công nghệ… và có khả năng tác động ở những mức độ khác nhau tới môi trường hòa bình ổn định cũng như tới sự phát triển của nước ta. Trong đó nếu có quan hệ tốt về chính trị, có những cơ chế hợp tác tốt về các mặt với khoảng 30 quốc gia chủ chốt trên thế giới, thì sẽ rất có lợi. Đan cài được lợi ích của chúng ta với những nước chủ chốt này - tức là “trong anh có tôi, trong tôi có anh” - sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn hoặc giảm thiểu khả năng một bên sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam đồng thời thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển chung của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tạo được một cục diện và vị thế ngày càng vững chắc cho Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Đối tác chiến lược có đặc điểm nổi bật là không chỉ có sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc, mà hai bên còn có lòng tin chính trị ở mức cao. Giữa hai nhà nước, giữa lãnh đạo cấp cao thường xuyên có trao đổi, thăm viếng lẫn nhau. Giữa hai nước hình thành nên các cơ chế hợp tác toàn diện, trong đó ưu tiên cho một số lĩnh vực hợp tác chiến lược. Sự hợp tác cùng có lợi đạt tới mức cao để tạo ra đối tác, tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc, nhất là trên một số lĩnh vực chủ chốt.
Còn đối tác toàn diện ở cấp độ thấp hơn một chút, chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh hợp tác toàn diện, cùng có lợi. Nói tóm lại, đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và các cơ chế hợp tác cùng có lợi, trong khi đối tác toàn diện chủ yếu tập trung vào khía cạnh hợp tác cụ thể.
Quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện phục vụ những mục tiêu nào của đất nước, thưa ông?
Ông Trần Việt Thái: Mặc dù tên gọi đều là “đối tác chiến lược” hoặc “đối tác toàn diện”, nhưng lợi ích và cách chúng ta thúc đẩy quan hệ trong mỗi đối tác lại rất khác nhau, tùy vào một số thế mạnh, ưu tiên cụ thể của từng đối tác.
Ví dụ, trong xây dựng và triển khai đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, hai bên tập trung kết nối hai nền kinh tế, ưu tiên khai thác mặt hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, ODA, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản… để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Tương tự như vậy, quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc cũng nhằm mục tiêu phát triển là chính. Gần đây nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG… đã chọn Việt Nam làm cứ điểm chiến lược để sản xuất nhiều sản phẩm điện tử trên phạm vi toàn cầu… Sự kết nối này sẽ còn sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới khi môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được cải thiện hơn.
Trong khi đó, quan hệ đối tác chiến lược với Nga lại được định hướng vào các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như hợp tác về an ninh-quốc phòng, năng lượng. Gần đây, chúng ta mới đẩy mạnh tiếp cận thị trường của Nga theo hướng toàn diện thông qua FTA với liên minh Á-Âu.
Còn với các nước có quan hệ đối tác toàn diện, ví dụ như đối tác toàn diện Việt Nam-New Zealand, Việt Nam-Australia chủ yếu hướng vào lĩnh vực nông nghiệp như hợp tác chế biến sữa, chăn nuôi gia súc đại quy mô… Đây là những lĩnh vực mà cả Australia và New Zealand đều có thế mạnh. Thực tế cho thấy nhờ hợp tác với các nước này, ngành sữa và chăn nuôi đại gia súc ở Việt Nam gần đây đã phát triển tốt.
Chúng ta còn có 2 quan hệ đối tác chiến lược theo ngành. Chúng ta chủ trương tranh thủ hợp tác với Hà Lan để ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là tại khu vực ĐBSCL. Còn với Đan Mạch, hai bên tập trung hợp tác trong lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ môi trường.
Với các nước ở khu vực, Việt Nam xác định ASEAN sau 2015 sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc hình thành cộng đồng, và đứng trước nhiều thách thức to lớn, Việt Nam đã chủ động xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với 5 đối tác chủ chốt trong ASEAN là Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Malaysia nhằm tạo dựng những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới, mang tính chiến lược cho một ASEAN ổn định, lâu dài trong tương lai.
Những lĩnh vực hợp tác mà chúng ta thúc đẩy với các đối tác đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong tương lai.
Có thể thấy còn có khoảng cách giữa trình độ phát triển của Việt Nam với các đối tác chiến lược. Vậy điều gì khiến các đối tác chủ chốt thiết lập quan hệ chiến lược với Việt Nam?
Ông Trần Việt Thái: Đúng vậy, còn có khoảng cách về trình độ phát triển, đôi khi là rất lớn, giữa Việt Nam với nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Nhưng thế và lực của Việt Nam ngày càng thay đổi theo hướng tích cực nhờ kết quả của công cuộc đổi mới, mở cửa đất nước.
Bên cạnh đó, phải thấy rằng các nước lớn xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam, họ nhìn dài hạn lắm. Họ tính cả các nhân tố khác như vị trí địa chính trị chiến lược, chính trị ổn định, thị trường tiềm năng với 90 triệu dân, có chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập… Nói tóm lại là chúng ta cũng có nhiều lợi thế, chứ trình độ phát triển chỉ là một yếu tố.
Quan trọng nhất vẫn là Việt Nam đã và đang chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm, có những đóng góp tích cực, cụ thể và ngày càng lớn cho hòa bình, ổn định, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Có lần, trao đổi với đương kim Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ và nhân quyền Tom Malinowski, ông ấy nói với tôi rằng “Việt Nam là một nhà nước đúng nghĩa” (a real state), ông ấy đánh giá rất cao chính sách hội nhập quốc tế và vai trò của Việt Nam ở khu vực hiện tại cũng như trong tương lai.
Còn khi gặp nhiều học giả và quan chức Nhật Bản, họ đều khẳng định Việt Nam đang là một nhân tố góp phần duy trì ổn định và mong Việt Nam đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang “lạm phát” về đối tác chiến lược, ông thấy các ý kiến này thế nào, thưa ông?
Ông Trần Việt Thái: Chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến phản biện chính sách như vậy. Đây là dịp để nhìn lại mình, so sánh và đánh giá hiệu quả chính sách.
Thật sự rất khó trả lời câu hỏi bao nhiêu đối tác chiến lược là vừa đủ đối với Việt Nam.
Thực tế 15 năm triển khai chủ trương làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt thông qua việc xây dựng các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã chứng tỏ đây là một hướng đi đúng đắn và tất yếu của ngoại giao Việt Nam.
Về số lượng, Việt Nam không phải là nước có nhiều đối tác chiến lược nhất. Nếu như tôi nhớ không nhầm thì Trung Quốc có hơn 60 đối tác chiến lược, Nga có hơn 40 đối tác chiến lược… Nếu tính cả đối tác toàn diện thì những nước này phải có tới cả trăm đối tác khác nhau.
Về đối tác, Bộ Ngoại giao đã chọn lọc và tính toán rất kỹ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Những nước mà chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đến nay đều là những nước rất quan trọng với Việt Nam trên nhiều phương diện. Hơn nữa, việc xây dựng quan hệ đối tác phải là hai chiều, chúng ta chủ động chọn đối tác là một chuyện nhưng không phải ta cứ muốn mà làm được. Phải có sự gặp nhau cả về lợi ích và thời điểm hoạch định chính sách…
Về nội hàm, sau 15 năm triển khai chủ trương này, có thể thấy 3 điểm nổi bật là: (i) Lòng tin chính trị, sự hiểu biết lẫn nhau đã tăng lên đáng kể, đã hình thành nhiều cơ chế đối thoại thẳng thắn, thực chất, có hiệu quả với các nước này; (ii) Nhiều cơ chế, dự án hợp tác cụ thể được hình thành, mang lại những nguồn lực to lớn cho sự phát triển của đất nước; và (iii) Tạo ra thế đan cài về lợi ích ngày càng gắn kết và góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Ví dụ, một giàn khoan mà Nga hợp tác với Việt Nam trên thềm lục địa ở Biển Đông có giá trị cả về kinh tế và an ninh quốc phòng, không kém gì một cột mốc chủ quyền trên biển.
Thực tế cho thấy, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã đáp ứng tốt những lợi ích chiến lược của đất nước ở các tầng nấc khác nhau; góp phần tạo dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, giúp chúng ta xử lý tốt các vấn đề an ninh; phát huy được vị thế chiến lược, địa kinh tế của đất nước, tranh thủ được lợi thế của đối tác để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là vấn đề lâu dài, không phải lúc nào cũng mang đến ngay các dự án cụ thể, có những trường hợp chủ yếu mới xác định được mục tiêu và tạo được khuôn khổ hợp tác rõ ràng để hai bên cùng phấn đấu.
Phải có thời gian mới có thể đánh giá đúng và đầy đủ về chủ trương quan trọng này của Đảng và Nhà nước, nhưng đây chắc chắn là hướng đi chiến lược của ngoại giao Việt Nam trong thế kỷ 21.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức và Italy (2011), Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013), Malaysia và Philippines (2015). Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo ngành với Hà Lan (2010), Đan Mạch (2011); thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với: Nam Phi (2004), Chile, Brazil và Venezuela (2007), Australia và New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraine (2011), Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013). |
Hải Minh thực hiện