![]() |
Nhiều bà nội trợ đang băn khoăn về những thông tin về thực phẩm trên thị trường hiện nay. Ảnh minh họa |
Chọn thực phẩm theo… cảm giác
Chị Vũ Vân Hường, 38 tuổi, ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, cho biết hiện chị mua thịt tại các siêu thị do có dấu kiểm dịch và có hạn sử dụng đàng hoàng, hoa quả thì chủ yếu mua hoa quả nhập khẩu và các loại trái cây chính vụ. Chị cũng tăng gia trên mảnh sân thượng với rau mầm và một số lại rau thơm, ớt…
Khác với chị Hường, chị Nguyễn Tường Điệp, 30 tuổi ở Tổ 35, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, vẫn nhờ bố mẹ ở Tuyên Quang đi mua lợn, gà, hoa quả, rau nuôi trồng quanh xóm… sau đó sơ chế sạch sẽ, đóng hộp và gửi xuống Hà Nội.
Chị Điệp cho biết thịt “quê” không rẻ hơn so với khu vực chợ dân sinh chị ở là bao ( trung bình 90 nghìn/ kg thịt lợn các loại, 120 nghìn/kg thịt gà…) nhưng vì các thực phẩm này được nuôi quanh xóm, người nhà chị có thể kiểm chứng và biết rõ nguồn gốc nên chị dùng cũng thấy yên tâm hơn.
Chị minh chứng: “Thịt lợn mua ở chợ gần nhà nhìn thì đẹp mã, nạc nhiều nhưng khi chế biến đều có mùi hoi rất khó chịu, còn thịt lợn quê mình nhìn tuy mỡ nhưng lại ăn rất thơm ngon, mỡ cũng săn chứ không bèo nhèo như ngoài chợ”.
Được thiết đãi đôi lần thịt ở quê chị, các đồng nghiệp cơ quan chị cũng công nhận về chất lượng thịt lợn quê. Nhiều đồng nghiệp đã nhờ chị mua hộ thịt, sau đó sẻ miếng cho vừa bữa và để trong ngăn trữ đông của tủ lạnh ăn dần. “Mấy chị em trong cơ quan đang rủ mình đặt nuôi riêng 1 con lợn cho tết này, nuôi vừa tới thịt chia mỗi nhà độ chục cân ăn dần cho an toàn”.
Chị Điệp cũng thông tin, giá vận chuyển qua xe khách từ Tuyên Quang xuống Hà Nội khoảng 10 nghìn/kg, vận chuyển thường xuyên thì còn có giá ưu đãi hơn. “Xe khách giờ ngày chạy nhiều chuyến về các bến nên thêm thắt công vận chuyển chút đỉnh là có thịt ngon ăn rồi”, chị Điệp mãn nguyện về phương án lựa chọn thực phẩm tận gốc của mình.
Thông tin thay "cảm giác"
Nhiều người nội trợ ở Hà Nội đang tự tìm cách tiếp cận các nguồn thực phẩm mình cho là “sạch” mà hầu như không biết đến tiêu chuẩn chất lượng nào. Ví dụ, khi hỏi chị Vũ Vân Hường về các tiêu chuẩn GAP cho rau sạch mà chị tìm mua ở siêu thị và các hàng hoa quả nhập khẩu thì chị hầu như không rõ mà chỉ do nhìn cách đóng gói gọn gàng, có ngày sản xuất và hạn sử dụng cụ thể thì chị tin đó là sản phẩm sạch. Còn chị Điệp thì cam đoan những người hàng xóm nuôi trồng thế nào thì bố mẹ chị ở nhà đều nhìn thấy nên cũng đảm bảo an toàn.
Việc người tiêu dùng chưa thực sự mặn mà tìm hiểu về các tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP mà vẫn tìm mua thực phẩm theo cảm nhận cá nhân đều xuất phát từ bài học mang tên “thương hiệu”.
Nói về các tiêu chuẩn chất lượng nông sản an toàn, chị Điệp và chị Hường đều có chung ý kiến là ban đầu cũng có để ý đến các tiêu chuẩn chất lượng khi có nhu cầu mua thực phẩm sạch. Nhưng sau thấy có quá nhiều logo chứng nhận trên các nhãn mác thực phẩm nên cũng không biết các tiêu chuẩn ấy như thế nào và cũng không có thời gian để tìm hiểu kỹ càng về từng logo tiêu chuẩn trên vỏ sản phẩm quy định nội dung gì, được cấp bởi đơn vị nào…
Hơn nữa, khi đọc thông tin có nhiều nơi sản xuất rau sạch do không có đủ rau bán nên đã thu mua ngoài chợ về đóng gói y như rau sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch nên các chị cũng “một mất mười ngờ”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội, cũng chia sẻ từ khi thành lập CLB đến nay, đã có 6 công ty đến mang rau an toàn tới tiếp thị và tiêu thụ tại CLB nhưng sau một thời gian lại có hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào nên hội viên cũng mất niềm tin dần đi. Bà Chi đặt câu hỏi: “Như vậy, việc kiểm soát chất lượng đã đảm bảo hay chưa?”. Theo bà Chi cần phải có đánh giá cụ thể và lựa chọn hệ thống tiêu chuẩn chất lượng chính để tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân và cả người tiêu dùng.
Ông Đặng Văn Vĩnh, Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cũng thừa nhận mặc dù đã có nhiều hệ thống tiêu chuẩn ra đời nhưng việc kiểm soát chất lượng nông sản sạch vẫn còn nhiều tồn tại.
Ông Vĩnh cho rằng thay vì đưa ra quá nhiều hệ thống tiêu chuẩn chất lượng rắc rối, điều quan trọng là thực hiện kiểm soát tốt chất lượng nông sản với hệ thống tiêu chuẩn hiện có, đảm bảo nông sản thực phẩm an toàn từ sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Xét cho cùng, việc tuyên truyền, phổ biến các quy chuẩn chất lượng nông sản cần thực hiện song song với việc thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng chính cho nông sản và bảo vệ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đề ra.
Chỉ có như vậy, người tiêu dùng mới thôi mua thực phẩm theo kiểu tự “đồn đoán” về độ an toàn và an lòng với những sản phẩm có dán logo quy chuẩn chất lượng được cấp phép bởi các cơ quan quản lý đang hết mình bảo vệ cho những quy chuẩn do họ cấp phép.
Đỗ Hương