In bài viết

Thực hiện tác quyền: Vẫn còn nhiều khe hở

(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật có những tiến bộ quan trọng. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể từng bước được bảo hộ.

23/05/2014 18:13
Vi phạm bản quyền sách vẫn đang "nóng". Ảnh VGP/Nguyệt Hà
Thay đổi tích cực trong nhận thức về bản quyền

Theo số liệu từ báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL, nhiều chủ thể đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả, với tổng lượng giấy chứng nhận đăng ký đã cấp từ năm 2008 đến 2013 là 26.347 giấy chứng nhận.

Đối với một số lĩnh vực tài sản trí tuệ, khả năng tự quản lý, khai thác của cá nhân tỏ ra không hiệu quả, vì vậy, hệ thống đại diện quyền tác giả, quyền liên quan với 4 tổ chức đã được ra đời để thực hiện việc đàm phán cấp phép sử dụng, thu tiền và phân phối tiền cho các chủ thể đã ủy thác. Một số tổ chức hoạt động có hiệu quả, tạo niềm tin cho các văn nghệ sĩ, trí thức ủy thác quyền.

Đồng thời, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị 36 tại các tỉnh/thành, đã thu trên 200 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc để phân phối cho các chủ thể ủy thác quyền cho Trung tâm. Năm 2008, VCPMC có 1.356 hội viên, thu được trên 16 tỷ đồng tiền bản quyền, đến năm 2013 đã có 2.787 hội viên, thu được trên 58 tỷ đồng tiền bản quyền.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2009, lực lượng thanh tra chuyên ngành VHTTDL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.429 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực VHTTDL, trong đó phát hiện 3.013 cơ sở vi phạm. Đã xử phạt cảnh cáo 188 cơ sở, giữ giấy phép 37 cơ sở, đình chỉ hoạt động 143 cơ sở. Thu giữ 649.324 băng đĩa các loại và 3.885 bản sách. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 11,5 tỷ đồng.

Thực thi luật pháp còn yếu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Nam, cho biết, từ khi Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc ra đời, tiền tác quyền mà trung tâm này nhận được giảm hẳn. Các công ty tổ chức biểu diễn cố tình trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả như đã cam kết trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn.

Bà Trần Thị Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Bắc, cho biết các bầu sô có đủ “chiêu” lách luật như liên danh, mượn hoặc thuê đơn vị khác làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần, thậm chí thành lập nhiều công ty con, công ty ma làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần. Có công ty còn lấy lý do chưa thỏa thuận được mức phí tác quyền phải trả để trì hoãn, né tránh việc chi trả bản quyền hay cung cấp sai thông tin địa chỉ trụ sở kinh doanh khiến cơ quan quản lý hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tìm cũng không ra để đòi tiền bản quyền.

Tình trạng này do hiện nay ở hầu hết các địa phương lực lượng thực thi quá thiếu và yếu. Ngay tại Bộ VHTTDL, lãnh đạo Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết nhân lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn thiếu dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, nhưng người am hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan chưa nhiều. Điều này dẫn đến công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế. Thanh tra ở địa phương lại càng lơ mơ nhận thức về tác quyền và bản quyền hơn.

Mặc khác, quy định pháp luật mới dừng lại ở một hành vi chung chung nên khó xử lý vi phạm, và các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan lại do nhiều văn bản luật quy định, nên lực lượng thực thi khó cập nhật, tìm hiểu, thống nhất. Và bất cập là đến nay vẫn chưa có tổ chức giám định và chưa cấp thẻ cho giám định viên.

Theo đại diện Tòa án nhân dân TPHCM khi có tranh chấp về bản quyền, tòa án không thể thành lập được hội đồng chuyên môn để xác định mức bồi thường thiệt hại. Điều này dẫn đến là tác giả chưa tin vào khả năng xử lý của cấp có thẩm quyền, nên ngại khiếu nại, kiện tụng, sợ mất thời gian.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36 diễn ra sáng 22/5 do Bộ VHTTDL tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài củng cố, lấp những "lỗ hổng" trong hệ thống văn bản pháp quy, cần đưa kiến thức về pháp luật bảo hộ quyền tác giả vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo hộ quyền tác giả.

Bởi hiện nay, nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan của đại bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, mà lực lượng có thẩm quyền giám sát, xử lý hành vi này lại thiếu, chưa ngăn chặn kịp thời, chưa đủ sức răn đe.

Để giải quyết những bất cập, lỗ hổng do luật pháp còn chưa chặt chẽ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết Bộ VHTTDL sẽ xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và ban hành một số văn bản mới nhằm khắc phục những vướng mắc trong hoạt động này. 

Nguyệt Hà