![]() |
Ông Nguyễn Văn Cao. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế (26/3/1975-26/3/2015), phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về những đổi thay và con đường phát triển của mảnh đất anh hùng này.
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh Thừa Thiên-Huế sau 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế?
Ông Nguyễn Văn Cao: Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, so với lịch sử, đây là khoảng thời gian khá ngắn, nhưng nhìn lại chặn đường xây dựng và phát triển kể từ ngày thống nhất đất nước thì đó là quãng thời gian đủ để làm thay đổi diện mạo một địa phương.
Nhớ lại những ngày đầu giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề. Nhà cửa, ruộng vườn, lành mạc bị tàn phá… Hàng vạn người dân trở về quê hương với hai bàn tay trắng... Nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chống chọi với thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế.
Giờ đây, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song về tổng thể, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có những thay đổi tiến bộ và đạt được thành tựu to lớn.
Sau một thời kỳ dài với định hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp, bắt đầu từ thời kỳ 2000-2005, tỉnh đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp nhằm từng bước phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) luôn cao hơn mức tăng trưởng cả nước, đạt bình quân trên 9%. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực: Dịch vụ, du lịch chiếm 55,3%; công nghiệp xây dựng: 34,1%; nông-lâm-ngư nghiệp: 10,6%. Tổng thu ngân sách năm 2014 gần 5.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người gần 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chuyển biến tích cực.
![]() |
Quang cảnh TP. Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khá hoàn chỉnh, mang dáng dấp hiện đại. Sân bay quốc tế Phú Bài được nâng cấp, cảng biển nước sâu quốc tế Chân Mây được mở rộng và có khả năng đón được các tàu trọng tải lớn, tàu du lịch trên 5.000 khách đã và đang mở ra cơ hội giao lưu, hội nhập phát triển sâu rộng với cả nước và thế giới.
Đô thị Huế - đô thị loại I, là Thành phố Di sản thế giới, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường, đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hoá. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của quần thể Di tích Cố đô Huế được quan tâm tập trung thực hiện.
Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, du lịch phát triển vững mạnh và ổn định. Việc tổ chức thành công 8 kỳ Festival Huế khẳng định vị thế của một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa-du lịch. Nhiều khu du lịch mới chất lượng cao đã đi vào hoạt động như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna của Tập đoàn Banyan Tree, Khu du lịch Tam Giang, khu du lịch sinh thái Vedana Lagoon...
Vào thời điểm khi mới giải phóng, toàn tỉnh chỉ có vài trường phổ thông trung học, 1 bệnh viện. Nhưng hiện nay, Chính phủ đã xác định Thừa Thiên-Huế là trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Lĩnh vực y tế với hệ thống thiết chế đầy đủ, từ Trường Đại học Y Dược, BV Trung ương Huế, các bệnh viện chuyên khoa... đã có nhiều thành tựu vượt bậc mang tầm quốc gia và quốc tế, như điều trị ung thư, ghép tim, ghép tạng phức tạp... BV Trung ương Huế là 1 trong 3 bệnh viện trong toàn quốc được xếp hạng đặc biệt.
Lĩnh vực giáo dục-đào tạo có bước phát triển. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên-Huế đứng thứ 3 toàn quốc với nhiều giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú...
Công tác xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả tích cực. Các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đã góp phần cải thiện một bước cơ bản chất lượng cuộc sống, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Hiện đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
![]() |
Du khách quốc tế tham quan Đại Nội (TP. Huế). Ảnh: VGP/Thế Phong |
Đặc biệt, công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại được quan tâm thúc đẩy, củng cố, tăng cường và mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, tỉnh đã có quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nghĩa với các địa phương của 15 nước khác nhau. Có 125 tổ chức quốc tế đang hoạt động trên địa bàn. Hằng năm tỉnh đón hơn 1 triệu du khách quốc tế đến tham quan, du lịch.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, tiêu biểu là Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Bia Casberg (Đan Mạch), Công ty Lusk (Hong Kong), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty Scavi (Pháp), Công ty CP (Thái Lan)...
Những thành tựu quan trọng đó là sức mạnh vật chất và động lực tinh thần to lớn, tạo ra thế và lực mới để Thừa Thiên-Huế hoàn thành kế hoạch 2010-2015 và tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tăng tốc tiếp theo.
Năm 2015 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại, nhất là tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp với những quyết sách chiến lược cho chặng đường 5 năm tiếp theo (2016-2020). Xin ông cho biết định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên-Huế trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Văn Cao: Xác định năm 2015 là năm bản lề, hiện nay các ngành, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn thành dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Còn về định hướng trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau.
Thứ nhất, tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là đô thị cấp quốc gia; cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển trong vùng.
Thứ hai, tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh; lấy dịch vụ-du lịch làm hạt nhân phát triển; phát triển công nghiệp làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển bền vững.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa du lịch. Xây dựng hoàn thiện Trung tâm y tế chuyên sâu, sớm trở thành thương hiệu quốc tế, gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tập trung phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học và công nghệ, coi đây là hướng đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kinh tế tri thức.
Thừa Thiên-Huế cũng như các tỉnh khác quán triệt mạnh việc gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Từng bước nâng cao nhất lượng cuộc sống người dân và về vật chất lẫn tinh thần.
![]() |
Sáng 29/1/2015, tàu Celebrity Century, chuyến tàu đầu tiên trong năm mới đưa 2.500 khách du lịch nước ngoài đến từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Australia và một số nước châu Âu cập cảng Chân Mây và tham quan Cố đô Huế. Ảnh: chanmayport.com.vn |
Thưa ông, trong quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, địa phương có định hướng giải pháp nào để giữ gìn và phát triển thảm xanh, cảnh quan môi trường của vùng đất lịch sử-văn hóa, trong đó có TP. Huế?
Ông Nguyễn Văn Cao: Huế thu hút được du khách một phần quan trọng là nhờ các giá trị văn hóa đặc sắc, hệ thống di tích đồ sộ và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Giữ gìn và phát triển các giá trị đó là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế trước cả nước.
TP. Huế sẽ không phát triển như các đô thị công nghiệp sầm uất, đô thị hóa nhanh như các thành phố khác mà sẽ phát triển theo mô hình đô thị “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá mà theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó là giữ gìn, tôn tạo và phát huy một cách có hiệu quả các giá trị vô giá về văn hóa, di sản mà cha ông để lại.
Đây là công việc khó khăn, phức tạp này đòi hỏi phải hết sức thận trọng, khoa học, không để bị yếu tố hiện đại hóa phá vỡ những giá trị đặc sắc của di sản Huế kể cả về văn hóa cũng như các cơ sở di tích lịch sử.
Một yếu tố có vai trò quan trọng góp phần giúp Huế đẹp hơn trong tương lai đó là phải có sự ủng hộ, đồng sức đồng lòng, tích cực tham gia của người dân vào quá trình gìn giữ, quảng bá, phát huy các giá trị của Cố đô Huế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thế Phong (thực hiện)