In bài viết

Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp.

(Chinhphu.vn) – Luật Thủy lợi vừa được thông qua là cơ sở pháp lý mạnh mẽ nhất để ngành nông nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong sản xuất... Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ trình Chính phủ ban hành 4 nghị định để triển khai luật này.

21/12/2017 14:12

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chiều 20/12, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018”. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trực tiếp phụ trách Tổng cục đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành năm 2017 của Tổng cục. Đây là một năm đầy thách thức nhưng Tổng cục đã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng; vận hành hiệu quả hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Năm 2017, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo điều hành là vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đảm bảo sản xuất, an toàn công trình và đời sống dân sinh trước tác động thiên tai cực đoan như: Bão, mưa lũ diễn ra trên phạm vi cả nước. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12, các hồ chứa thủy lợi lớn ở khu vực Trung bộ đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3 trong tổng số 1,27 tỷ m3 về hồ, chiếm gần 50%...

Riêng 12 tỉnh, thành phố Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đảm bảo đủ nước phục vụ gieo trồng khoảng 620.000 ha lúa. Thời gian lấy nước rút ngắn 4,5 ngày so với kế hoạch, với tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện là 4,67 tỷ m3. 

Đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành thủy lợi đã lập, rà soát các quy hoạch cấp nước, tiêu thoát nước tại các lưu vực sông như: Sông Đáy, sông Hương – Ô Lâu, sông Ba, sông Gianh… Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng. Hiện đã có 80% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, 70% số xã đạt tiêu chí thủy lợi, có 21.300 tổ chức thủy lợi cơ sở. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với ngành thủy lợi trong thời gian tới. Để Luật Thủy lợi đi vào cuộc sống không hề đơn giản; cách giải quyết theo hướng đơn ngành không giải quyết được, để phát triển thủy lợi cần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy cả ngành kinh tế...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, năm nay, nhiều hồ chứa lớn đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thậm chí, đã xảy ra 22 sự cố hồ chứa, nếu không phát hiện kịp thời và khắc phục thì hậu quả khôn lường. Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ cắt lũ, giảm ngập vùng hạ du, bảo vệ sản xuất, dân sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sản xuất phải theo tín hiệu thị trường, trước đây ưu tiên của ngành là lúa gạo, thủy sản, trái cây còn trong giai đoạn hiện nay phải xác định là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Trong giai đoạn mới đòi hỏi ngành thủy lợi phải thay đổi cách tiếp cận. Luật Thủy lợi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Khi đã có Luật Thủy lợi thì hướng đầu tư, quản trị phải sử dụng nguồn tài nguyên phù hợp và hiệu quả nhất. 

“Trước hết ngành phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Đó là 4 nghị định để triển khai Luật Thủy lợi. Đây là công cụ phục vụ quản lý thủy lợi, do đó phải có chất lượng để khi luật vào cuộc sống phát huy tác dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Đỗ Hương