In bài viết

Để không còn những giá trị giả

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định truy nã đối với Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT, Viện trưởng Viện đào tạo liên tục Đại học Đông Đô, bỏ trốn sau khi bị khởi tố tội Giả mạo trong công tác.

30/08/2019 10:59

Trước đó, đầu tháng 8, Cơ quan này khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dương Văn Hòa (36 tuổi, Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và Trần Ngọc Quang (57 tuổi, Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên) về tội Giả mạo trong công tác.

Hai cán bộ khác của Đại học Đông Đô liên quan đến vụ án là Phạm Vân Thùy (38 tuổi) và Lê Thị Lương (27 tuổi) cũng bị khởi tố về tội danh trên nhưng được cho tại ngoại.

Theo cơ quan điều tra, các cán bộ chủ chốt của trường Đại học Đông Đô móc ngoặc với các tổ chức bên ngoài cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh cho học viên không cần theo học. Giấy tờ này được học viên sử dụng để nâng lương, thăng hạng, thi tuyển vào biên chế… Chi phí thông qua “cò” dao động từ 50-150 triệu/người.

Câu chuyện mua bán bằng đại học không mới mẻ. Đến thời điểm hiện tại, chỉ cần đánh từ khóa “làm bằng đại học” là có hơn 150 triệu kết quả hiện ra trên công cụ tìm kiếm Google. Trên đó các trang web được thiết kế rất bài bản công phu cùng những lời chào mời hết sức hấp dẫn.

Một số trang web đăng “bảng giá” từng trường với số tiền dao động chỉ từ 3 đến 3.500.000 đồng sẽ có đầy đủ một bằng đại học cùng với bảng điểm. Tuy nhiên cho dù cam kết đến đâu, người bán người mua đều hiểu rằng những “dịch vụ” trên thực chất vẫn chỉ là làm giả bằng đại học và chắc chắn nếu được kiểm tra giám định kỹ lưỡng, việc thật giả sẽ được xác định.

Trong hệ thống các trường đại học cũng từ lâu đâu đó đã có những dư luận về chuyện xin điểm thậm chí “chạy điểm”, “mua điểm” nhưng cũng vẫn chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ và diễn ra một cách lén lút.

Nhưng với vụ án ở trường Đại học Đông Đô là câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đây, những người quản lý một trường đại học đã thiết lập đường dây bán những văn bằng đại học để trục lợi khi học viên không hề được tuyển sinh học tập sát hạch và thi như quy định của pháp luật và giáo dục.

Những cán bộ của trường này từ những người cao nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị  đến Hiệu trưởng... đã “bán” những văn bằng cho những người mong muốn thăng tiến bỏ tiền ra mua.

Việc làm của họ đã cào bằng giữa những người phải bỏ công sức tiền bạc thời gian để dự tuyển, học và thi một cách chân chính với những người chỉ bỏ một “cục tiền” để mua bằng và dưới một góc độ nào đó, đã làm xói mòn niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục.

Khác với việc mua bán bằng giả, văn bằng của trường Đại học Đông Đô chắc chắn về mặt kỹ thuật là bằng thật và không một máy móc hay phương tiện nào có thể phát hiện hay khẳng định đó là bằng giả, dù rằng thực chất nó cũng hoàn toàn vô giá trị vì những người cầm giữ nó không hề học thật.

Sau bê bối ở một số địa phương trong kỳ thi THPT với việc nâng điểm, giờ đây vụ việc bán văn bằng công khai tại một trường đại học tiếp tục đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Chính vì thế, sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ quyết tâm làm rõ xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: Các đơn vị trực thuộc Bộ có sai sót, thậm chí sai phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm; theo nguyên tắc "sai đâu phải xử đấy".

Bên cạnh đó, có lẽ cần đặt câu chuyện trong một bối cảnh rộng hơn. Sở dĩ nạn bằng giả có đất để sống, một phần là vì ở đâu đó vẫn tồn tại cách đánh giá con người dựa trên bằng cấp. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp xử lý nghiêm những sai phạm, việc đánh giá và nhìn nhận con người cần thực chất hơn, chính xác hơn, công bằng hơn. Khi những giá trị giả không được công nhận, nạn làm bằng giả sẽ được triệt tiêu, trả lại niềm tin cho xã hội và người dân.

Quang Lê