In bài viết

Mỹ có hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19

(Chinhphu.vn) - Vượt 1 triệu, Mỹ có số ca mắc COVID-19 chiếm gần 1/3 thế giới, là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

28/04/2020 10:00

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của người dân tại TP Indian Wells, Mỹ - Ảnh: Reuters

Tính đến 6 giờ ngày 28/4 (giờ Việt Nam), theo Worldometers, số ca nhiễm COVID-19 đã chính thức vượt 3 triệu người.

Cụ thể, số ca nhiễm mới trên thế giới trong 24 giờ qua là 65.290, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên toàn cầu là 3.058.552, trong đó, số trường hợp tử vong là 211.177, tăng thêm 4.262 ca.

Số liệu thống kê của Worldometers cũng cho thấy, có 919.727 người nhiễm COVID-19 đã bình phục, trong khi đó, còn 56.281 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, với 20.354 ca nhiễm mới, số người mắc bệnh tại Mỹ đã vượt 1 triệu lên 1.007.514, chiếm gần 1/3 số ca bệnh toàn cầu.

Mỹ cũng ghi nhận thêm 1.211 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 56.624. Ngoài ra, có 137.720 người nhiễm bệnh đã bình phục và 14.175 ca nặng, nguy kịch.

Nhận xét về tình hình chống dịch ở Mỹ, ngày 27/4, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng, quốc gia này dường như có một kế hoạch liên bang “được trình bày rất rõ ràng” và dựa trên cơ sở khoa học dành cho công tác đấu tranh với đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một số thống đốc bang nên "xem xét nghiêm túc" việc mở lại các trường học vì theo ông đây là nguyện vọng của nhiều người Mỹ.

Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra khi các hướng dẫn của Nhà Trắng về việc mở cửa lại các khu vực kinh tế, khuyến nghị các trường học vẫn đóng cửa cho đến khi từng tiểu bang vượt qua được tiêu chí về số ca nhiễm mới được báo cáo và tái nhiễm trong vòng ít nhất 14 ngày.

Theo trang web của Nhà Trắng, các quan chức liên bang và địa phương có thể cần điều chỉnh việc áp dụng các tiêu chí này cho từng hoàn cảnh của mỗi tiểu bang (ví dụ, các khu vực đô thị có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng, khu vực nông thôn và ngoại ô, nơi dịch bệnh chưa xảy ra hoặc ở mức độ nhẹ).

Ngoài ra, cũng theo Nhà Trắng, trong điều kiện thích hợp, các thống đốc nên làm việc trên cơ sở điều kiện thực tế tại các tiểu bang để đáp ứng các tiêu chí này.

Tổng thống Mỹ và một số thống đốc tiểu bang đã có những bất đồng về quan điểm liên quan đến vấn đề mở cửa lại hoạt động kinh tế ở các bang. Thống đốc New York Andrew Cuomo, một thành viên của đảng Dân chủ, đã cảnh báo một "cuộc khủng hoảng hiến pháp" sẽ xuất hiện nếu Tổng thống Trump ra lệnh mở lại nền kinh tế mà không có sự thỏa thuận của các thống đốc.

WHO: Đại dịch "còn lâu mới kết thúc"

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối ngày 27/4 (giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại đại dịch COVID-19 "còn lâu mới kết thúc" và đang làm gián đoạn các dịch vụ y tế thông thường khác.

"Chúng ta vẫn còn một con đường dài và nhiều thứ phải làm phía trước". Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng thế giới có thể ngăn chặn đợt bùng phát dịch thứ hai bằng các hành động đúng đắn.

Người đứng đầu WHO cũng lo lắng dịch bệnh đang khiến trẻ em trở thành đối tượng bị thiệt thòi nhất. Dù tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 và tử vong rất thấp nhưng đại dịch đã làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng thông thường.

"Điều đó khiến các em đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn vì những căn bệnh đã có thể phòng ngừa bằng vaccine", ông Tedros lập luận.

Pháp phát 27 triệu khẩu trang/tuần cho người dân

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Pháp Agnes-Pannier Runacher, tình trạng thiếu hụt khẩu trang tại nước này về cơ bản đã được giải quyết nhờ vào việc tăng cường nhập khẩu và đẩy mạnh sản xuất.

Bà Runacher đặt mục tiêu sẽ phát được ít nhất 27 triệu khẩu trang mỗi tuần cho người dân. Những chiếc khẩu trang này sẽ ghi rõ số lần có thể giặt và tái sử dụng. Hiện Pháp đang đặt mục tiêu sản xuất 20 triệu khẩu trang mỗi tuần trước cuối tháng 5, trong đó tập trung vào những loại cần cho nhân viên y tế như N95.

Anh hỗ trợ 60.000 bảng cho mỗi nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo trong nỗ lực chia sẻ khó khăn và ổn định cuộc sống sau đại dịch, mỗi gia đình của nhân viên y tế chết vì COVID-19 sẽ nhận được ít nhất 60.000 bảng Anh hỗ trợ (khoảng 74.400 USD). 

Các nhân viên y tế ở đây bao gồm cả những y bác sĩ tuyến đầu, điều dưỡng và những người làm việc dọn dẹp, khuân vác trong các bệnh viện điều trị COVID-19 nhưng chẳng may nhiễm bệnh rồi qua đời. Có ít nhất 98 trường hợp như vậy đã được ghi nhận tại Anh.

Theo ông Hancock, quy định này chỉ áp dụng tại riêng Vương quốc Anh. Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales sẽ nhận được các khoản hỗ trợ khác tương tự. Chính phủ Anh đã huy động hàng nghìn nhân viên y tế về hưu và sinh viên ngành y năm cuối cho cuộc chiến chống COVID-19.

An Bình