Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Theo đó, bổ sung mục tiêu của Đề án: Xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM và các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Mục III Điều 1 (các hoạt động của Đề án). Cụ thể, hình thành và hỗ trợ phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với các nội dung hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động:
Xây dựng, phát triển mạng lưới tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư, chuyên gia, tổ chức tư vấn, huấn luyện, đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, vùng, quốc gia; tham gia với tư cách thành viên vào hoạt động của các mạng lưới ở phạm vi khu vực và thế giới, thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Hoạt động hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế trong đào tạo, huấn luyện; truyền thông; tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước; tư vấn chuyển giao công nghệ, đầu tư, phát triển thị trường; nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đánh giá, tư vấn hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mời chuyên gia, cố vấn, người Việt Nam thành công ở nước ngoài đến làm việc, tư vấn thường xuyên, cung cấp dịch vụ cho các khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi ngành, vùng, địa phương, cơ sở.
Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, Diễn đàn cấp cao mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm, ở quy mô quốc gia, quốc tế.
Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Liên Hà Thái
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Liên Hà Thái (GREEN iP-1) phân khu bắc, hạng mục: khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Green I-Park.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với quy mô sử dụng đất 588,84 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.885 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 600 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh rút ngắn tiến độ thực hiện dự án; cụ thể tiến độ triển khai dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư, trong đó lưu ý đảm bảo tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, tiến độ huy động các nguồn vốn khác phải phù hợp với tiến độ giao đất, cho thuê đất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện phân kỳ dự án đầu tư.
Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư (8/2/2021).
Trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo trình tự như sau:
1- UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, tổ chức việc lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
2- Tổ chức lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.
3- Tổ chức thẩm định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.
4- Quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.
5- Cập nhật, công bố nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo quy định.
6- Báo cáo kết quả thực hiện điều chỉnh cục bộ theo hình thức gửi Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, HĐND thành phố.
Về lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh quy hoạch chung; xác định phạm vi, mức độ, nội dung điều chỉnh, các chỉ tiêu quy hoạch về: sử dụng đất; tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội dựa trên cơ sở: phân tích, đánh giá hiện trạng; yêu cầu phát triển; các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang của khu vực dự kiến điều chỉnh.
Phân tích, đánh giá các nội dung dự kiến điều chỉnh cục bộ bảo đảm: không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch; tính liên tục, đồng bộ của quy hoạch chung hiện có.
Phân tích, đánh giá về hiệu quả kinh tế-xã hội của việc điều chỉnh cục bộ; kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; xác định các giải pháp khắc phục những phát sinh do điều chỉnh quy hoạch.
Lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung
Quyết định cũng nêu cụ thể việc lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Theo đó, phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ (nếu cần thiết).
Các ý kiến đóng góp của đại diện cộng đồng dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) phải được tổng hợp, giải trình bằng văn bản. Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh các phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng.
Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 30 ngày đối với cộng đồng dân cư; 15 ngày đối với cơ quan, tổ chức./.