Công điện tăng cường quản lý các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam.
Công điện nêu: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và địa phương đã tổ chức nhiều chuyến bay chuyên chở các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và đưa công dân, lao động Việt Nam có nhu cầu về nước, trong đó có nhiều lao động hết hạn hợp đồng, quá hạn lưu trú, bị mắc kẹt tại nước sở tại.
Tuy nhiên, công tác quản lý còn những bất cập, sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong khâu tổ chức, giám sát các chuyến bay (tần suất chuyến bay, số lượng khách trên mỗi chuyến so với kế hoạch được phê duyệt). Số lượng người nhập cảnh về địa phương quá lớn trong thời gian ngắn đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng phòng chống dịch của địa phương, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Thời gian tới, dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch; trong khi đó, cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời tổ chức hoạt động kỷ niệm nhân dịp ngày Lễ 30/4-01/5.
Để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh nêu trên theo quy định, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực được giao tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 về việc tổ chức các chuyến bay chuyên chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao người nước ngoài và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và công dân, lao động, học sinh Việt Nam về nước; tăng cường phối hợp, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức chuyến bay, bảo đảmtần suất, đối tượng và số lượng người, chuyến bay theo kế hoạch được duyệt, phù hợp khả năng tiếp nhận trong nước; đồng thời tổ chức lực lượng chức năng để giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, không để xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, tránh trục lợi, tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19.
2- Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải và các địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao giải quyết nhanh, thuận lợi, công khai việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xem xét kỹ, giải quyết phù hợp các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, nhất là trong thời gian từ nay đến ngày 31/5/2021, trừ các trường hợp đối ngoại do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất.
3- Căn cứ năng lực tiếp nhận của địa phương, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh; tổ chức giám sát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây nhiễm trong cơ sở cách ly và từ khu vực cách ly ra cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng trục lợi và không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất với Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
4- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chỉ thực hiện cấp phép các chuyến bay chuyên chở các đối tượng nhập cảnh nêu trên khi có ý kiến đồng ý, tiếp nhận cách ly người nhập cảnh của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5- Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài và các cơ quan liên quan đẩy mạnh thông tin truyền thông về chủ trương, chính sách nhập cảnh và phòng chống COVID-19 của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tuyên truyền vận động công dân Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ các quy định của nước sở tại, không nhập cảnh trái phép về nước./.
Phê chuẩn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Cụ thể, tại Quyết định 597/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Quyết định 596/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Tiến Hưng, để nhận nhiệm vụ mới.
Rà soát, sửa đổi quy định cản trở đầu tư, kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Trước thực trạng hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn, đang gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Nghị quyết phiên họp về triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021), trên cơ sở thực tiễn quản lý, điều hành, khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (luật, nghị định, thông tư) đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần xác định cụ thể nội dung quy định (điều, khoản, văn bản) gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả rà soát, thống kê và đề xuất, kiến nghị gửi về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thiết lập Cổng tham vấn điện tử để gỡ bỏ rào cản kinh doanh
Thiết lập Cổng tham vấn điện tử để hỗ trợ việc lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định; kiên quyết trả lại các bộ, cơ quan nếu phương án cắt giảm, đơn giản hóa không đạt được chỉ tiêu được giao.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động thống kê, cập nhật toàn bộ các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan, cập nhật đầy đủ, chính xác vào phần mềm thống kê, rà soát các quy định tại địa chỉ https://nq68.baocaochinhphu.gov.vn, bảo đảm tiến độ được giao.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tổ chức tham vấn các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (đợt 1 trước ngày 30/5 và đợt 2 trước ngày 30/9). Yêu cầu đặt ra cần phải lượng hóa được lợi ích, chi phí mang lại đối với từng phương án do bộ, cơ quan đề xuất.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống phần mềm thống kê, rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; thiết lập Cổng tham vấn điện tử để hỗ trợ việc lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định; kiên quyết trả lại các bộ, cơ quan nếu phương án cắt giảm, đơn giản hóa không đạt được chỉ tiêu được giao.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tăng cường đối thoại, lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kịp thời gửi bộ, cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện.
Hoàn thành kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Triển khai hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Đề án. Trong năm 2021 phải hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp.
- Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn; tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử
Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai, thực hiện ở cả 4 cấp chính quyền, không gửi kèm bản giấy, thực hiện lưu trữ điện tử và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2021.
Hoàn thành việc xây dựng các chế độ báo cáo điện tử của bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của bộ, ngành, địa phương để tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.
Thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi, cắt giảm chi phí trước khi xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại bộ, ngành, địa phương để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử./.