Bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về quan hệ Việt Nam - Anh nhân chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Anh.
Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á
Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Bà Emily Hamblin: Tôi đánh giá cao những nỗ lực đáng khích lệ của Việt Nam gần đây trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thông qua các mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng thể quy hoạch năng lượng của Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng nhiều động thái tích cực hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do nền nhiệt độ tăng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao các nhà lãnh đạo thế giới COP 26 tại Glasgow, Scotland cùng với các Bộ trưởng và doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia các cam kết quốc tế về năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Hơn 130 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tụ họp tại Glasgow cho COP26, và đây là một sự kiện quan trọng mang tính quốc tế cho một mục tiêu chung giảm khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu công bố đã nêu rõ 'mã màu đỏ' cho nhân loại, cho thấy rằng nhiệt độ trung bình thế giới có thể sẽ tăng 1,5 độ C trong một hoặc hai thập kỷ tới nếu chúng ta không có những hành động ngay lập tức. Bây giờ là lúc mọi quốc gia cần cam kết thực hiện các mục tiêu Net-Zero (giảm phát thải ròng bằng 0) và hướng tới đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạch và bền vững.
Chúng tôi cũng nhận thấy những thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam do việc tăng dân số và nhu cầu năng lượng trong nước. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, về mặt xây dựng chính sách và thông qua chuyên gia về năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh. Trong phiên họp của Hội đồng Chuyển đổi Năng lượng, chúng tôi đã thảo luận với Việt Nam về các rào cản trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo từ năng lượng hoá thạch, đồng thời làm việc với các đối tác phát triển và các ngân hàng đa phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các dự án chuyển đổi. Các nước phát triển đang cam kết hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các biện pháp chống chịu với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi khuyến khích Việt Nam tiếp cận nguồn vốn này để sử dụng vào việc củng cố lưới điện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh.
Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong những năm gần đây, cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng. Việt Nam hiện đã vượt qua Thái Lan trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở Đông Nam Á. Và chúng tôi cũng kỳ vọng những cơ hội tiềm năng lớn hơn nữa sắp tới trong lĩnh vực điện gió. Vương quốc Anh là quốc gia có công suất gió ngoài khơi được lắp đặt lớn nhất thế giới và chúng tôi tin rằng với những kinh nghiệm chuyên môn của mình, chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển những cơ hội tiềm năng này.
Bà Emily Hamblin: Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và chúng tôi đang tích cực hợp tác để hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ, tại TPHCM, các quỹ của Vương quốc Anh đang giúp Việt Nam phát triển các mô hình thành phố bền vững thông qua việc tăng cường kết nối giao thông công cộng và áp dụng các phương pháp số hóa để quản lý lũ lụt, tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu và giảm những tổn thương lên người nghèo trong khu vực đô thị. |
COVID-19 là một lời nhắc nhở mạnh mẽ
Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến môi trường đầu tư trên toàn cầu (gián đoạn chuỗi cung ứng, chuyển nguồn vốn…). Bà có thể chia sẻ một số suy nghĩ về môi trường đầu tư sau COVID-19 của Việt Nam? Theo Bà, đâu là xu hướng hoặc nhu cầu quan trọng (của các nhà đầu tư) mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần lưu ý?
Bà Emily Hamblin: Sự bùng phát gần đây của biến thể Delta là một thách thức vô cùng lớn đối với không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và tôi vô cùng vui mừng khi thấy các tín hiệu tích cực từ việc các ca bệnh giảm dần hay các hạn chế dần được nới lỏng. Tôi cũng rất vui vì Vương quốc Anh có thể hợp tác với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Tuần này, chúng tôi đã tài trợ cho Việt Nam các thiết bị y tế cần thiết trị giá 500.000 bảng Anh, trước đó là 415.000 liều vaccine vào tháng 8/2021, và sự hỗ trợ liên tục của chúng tôi trong việc cung cấp vaccin tại Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ hàng đầu cho COVAX.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra nhiều cơ hội thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài mới và đa dạng, đồng thời đảm bảo nền kinh tế thích ứng với thay đổi ưu tiên của các nhà đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi một môi trường pháp lý minh bạch và nhất quán, và tất nhiên các nhà đầu tư tiềm năng rất mong muốn đến thăm Việt Nam ngay khi điều kiện di chuyển cho phép.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả các công ty Anh đang ngày càng có ý thức hơn về vấn đề môi trường và khí hậu trong các cam kết đầu tư.
COVID-19 là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự mong manh của chuỗi cung ứng quốc tế. Và vì vậy, cần có sự hợp tác quốc tế để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây ra bất ổn về môi trường, thiên tai dịch bệnh dẫn đến sự gián đoạn đối với thương mại và đầu tư toàn cầu trừ khi chúng ta có những hành động có ý nghĩa mang tính quốc tế.
Tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều công ty nhận ra sự cần thiết của các hành động đối với biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng Net-zero, trong việc ra quyết định đầu tư của họ.
Thương mại Việt Nam - Anh tăng trưởng ấn tượng
Bà nhìn nhận thế nào về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh?
Bà Emily Hamblin: Bất chấp những thách thức gần đây của COVID-19, thương mại Việt Nam - Anh vẫn tiếp tục phát triển. Và tôi cũng rất ấn tượng rằng dù có những khó khăn về dịch bệnh nhưng tính chung 10 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký mới tăng 11,6% và vốn thực hiện đạt hơn 15 tỷ USD. Điều này cho thấy Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầu tư và có những cơ hội đáng kể ở đây dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Vương quốc Anh.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Vương quốc Anh thể hiện sự tăng cường mạnh mẽ trong mối quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Kể từ năm ngoái, quan hệ đối tác Chiến lược Việt Nam - Anh đã đạt những dấu ấn quan trọng.
Về mặt thương mại, chúng tôi rất vui mừng được ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh Việt Nam (UKVFTA) vào cuối năm 2020.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 35 của Vương quốc Anh. Chúng tôi coi đây là một mối quan hệ có nhiều tiềm năng phát triển, vì lợi ích của cả hai quốc gia. Thương mại song phương của hai nước đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ tính đến năm 2019.
Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, thương mại song phương Việt Nam-Vương quốc Anh đạt 5,6 tỷ USD. Tôi rất mừng vì trong 6 tháng đầu năm nay, ngay sau khi UKVFTA được ký kết và có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có sự phát triển ấn tượng, với mức tăng trưởng 19% so với so với cùng kỳ năm ngoái - bất chấp bối cảnh đầy thách thức của đại dịch COVID-19.
Tăng cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Anh
Theo Bà, ngành hoặc lĩnh vực nào của hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai?
Bà Emily Hamblin: Việc ký kết UKVFTA thể hiện cam kết chung trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác thương mại song phương, điều này mang lại lợi ích chung to lớn cho cả hai nước. Theo đó, 65% của tất cả các loại thuế đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh và con số này sẽ tăng lên 99% vào thời điểm thực thi đầy đủ FTA.
Cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Anh ngày càng tăng. Đồng thời nhiều doanh nghiệp Vương quốc Anh đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và đầu tư hơn tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thế mạnh của chúng tôi như cung cấp các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ cao, gắn liền với hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh trong nền kinh tế carbon thấp.
Và chúng tôi nhận thấy nhiều tiềm năng gia tăng quan hệ đối tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Hướng tới tương lai, chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực ASEAN, đặc biệt với vai trò mới của Vương Quốc Anh là Đối tác Đối thoại của ASEAN. Việc gia nhập CPTPP là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Vương quốc Anh khi chúng tôi mong muốn tối đa hóa cơ hội với tư cách là một quốc gia thương mại độc lập mới và sẽ giúp tăng cường thương mại với các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chúng tôi vui mừng vì Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP. Việc gia nhập CPTPP cũng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại song phương Việt - Anh thông qua những cam kết bổ sung các điều khoản của UKVFTA.
Xin cảm ơn bà!
Mạnh Hùng (thực hiện)