Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời kỳ mới được các đại biểu hết sức quan tâm. Ảnh: Chinhphu.vn |
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và các bạn trẻ phát biểu, trao đổi nêu bật các giá trị và giải pháp để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của các di sản văn hóa của Thăng Long- Hà Nội nói riêng.
Tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã đi sâu phân tích về các giá trị di sản, các di tiêu biểu của Hà Nội như: Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội, các lễ hội cổ truyền, tín ngưỡng dân gian, văn hóa dân gian, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, về các di tích thờ tổ nghề trên đất Thăng Long- Hà Nội, về làng cổ Đường Lâm, di sản văn hóa dân gian làng Triều Khúc…
Ý kiến chung của các đại biểu nhấn mạnh, Hà Nội là nơi tập trung đậm đặc các di sản vật thể và phi vật thể. Năm nay, nhân dịp Thủ đô tròn 1000 năm tuổi, 3 di sản của Hà Nội là: 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long và Lễ hội Gióng vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản văn hóa của Thăng Long- Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều di sản văn hóa ở Thủ đô đang bị mai một, nhất là các di sản phi vật thể. Đây là điều khiến các nhà khoa học lo lắng và hết sức quan tâm trong việc nêu giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị các di sản trong điều kiện hiện nay.
PGS.TS Trần Lâm Biền ở Cục Di sản Văn hóa nói về tình trạng thương mại hóa diễn ra quang khu vực di sản; tình trạng còn thiếu kiến thức nói chung của những người quản lý các đình, đền, chùa ở Hà Nội cũng như một bộ phận nhỏ người dân khi đến đây.
TS Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội lo ngại về thực trạng rất nhiều di tích của Thủ đô đang được bảo tồn, trùng tu nhưng thiếu sự nghiên cứu bài bản, tổng thể, làm mất các giá trị gốc của di tích. Nhiều đại biểu cho rằng lễ hội ở Hà Nội đang bị thương mại hóa, các làng nghề đang bị mai một, các đình thờ tổ nghề còn thiếu sự quan tâm...
Theo các đại biểu, TP Hà Nội cần có chiến lược trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong đó có việc đầu tư kinh phí cùng với đầu tư nguồn nhân lực có trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cao…
Cuộc tọa đàm đã trở thành một diễn đàn mở để học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô có dịp trao đổi với các nhà nghiên cứu về trách nhiệm của giới trẻ về việc bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong quá trình hội nhập.
Theo TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, di sản văn hóa của ông cha ta là di sản vô cùng quí giá và luôn luôn đồng hành với tất cả các thế hệ. Các di sản văn hóa quí giá sẽ thuộc về thế hệ trẻ, nên thế hệ trẻ cần xác định mình là người thừa hưởng và phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ phát huy giá trị của di sản bằng những việc làm thiết thực.
Mai Hồng