CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức

06:30 - 08/11/2023

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/11, Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời chất vấn của các đại biểu về cải cách tiền lương; viên chức làm quản lý nhà nước; xây dựng danh mục vị trí việc làm; liên thông quản lý công chức cấp xã với cấp huyện,...

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 1.

Gần 7200 viên chức đang làm nhiệm vụ công chức

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội rằng sẽ sớm giải quyết tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức. 

Với trách nhiệm của mình trong thời gian qua, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có đề xuất như nào để giải quyết về vấn đề trên? Việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

Cảm ơn các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, trên thực tế đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức, thuộc các khối như quản vụ, kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú ý, kiểm dịch động vật. 

Đây là điều tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số viên chức này, đến thời điểm 31/12/2022 là 7191 người. 

Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này.

Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ Nội vụ đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, hiện nay, Ban Chỉ đạo trung ương đang xem xét điều chuyển số viên chức này, đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại thành công chức, thực hiện đúng chính sách cho các đối tượng này. 

Tới đây, Bộ Nội vụ cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 6.

Đã hoàn thành danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông khẳng định, về việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng rất quan trọng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương nói riêng, cho quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, xác định chức nghiệp công vụ nói chung là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Trước hết, để cải cách tiền lương, thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xong được danh mục vị trí việc làm. 

Về mặt cơ bản, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ.

Thực hiện Nghị định số 62, Nghị định 106 của Chính phủ, các cơ quan đang sắp hoàn thiện toàn bộ các nội dung, qua đó đảm bảo triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, thì cần có sự chỉ đạo thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. 

Đối với Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu sẽ triển khai công tác này, đảm bảo việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm có thể đáp ứng được tinh thần triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 7.

Tiền lương giáo viên mầm non rất thấp, chỉ 5-6 triệu đồng/tháng

Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thực hiện Nghị định 204 và Quyết định 244, trong quá trình thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể giáo viên mầm non tiền lương rất thấp chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ khi xây dựng bảng lương mới căn cứ cơ sở vị trí việc làm trên nguyên tắc Nghị quyết 27 tính chất công việc, thực hiện ưu đãi nghề. 

Trên cơ sở Nghị quyết 29 bảo đảm tiền lương cơ bản, cùng với phụ cấp sẽ có cao hơn bảng lương hành chính sự nghiệp. Khi tổ chức thực hiện sẽ có quan tâm đến lương giáo viên nói chung và lương giáo viên mầm non nói riêng. 

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 8.

Tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện

Về chính sách tiền lương của công chức cấp xã và công chức khác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ, thực tế tồn tại 2 chế độ công vụ là chế độ công vụ cấp xã và chế độ cấp huyện trở lên. 

Nhưng đối với cán bộ công chức cấp xã thì các chế độ chính sách cũng tương tự như cán bộ công chức cấp huyện trở lên từ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm hết sức rõ ràng nhưng công chức cấp xã chưa nằm trong tổng biên chế chung của hệ thống chính trị. 

Thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng chế độ công vụ chung, hoàn thiện, hiện đại.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 9.

Đã có 13/15 Bộ hoàn thành Danh mục vị trí việc làm

Về vấn đề chậm trễ trong xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định nhận định này là đúng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã có lí giải về nguyên nhân của tình trạng này. Đồng thời cho biết đến nay đã có 13/15 Bộ hoàn thành Danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành và đề nghị các Bộ cố gắng sớm hoàn tất để triển khai đồng bộ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị các bộ, ngành, địa pương căn cứ Thông tư hướng dẫn chỉ đạo cơ quan đơn vị sự nghiệp do mình quản lý triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm, trên cơ sở đó phê duyệt đề án để có thể triển khai cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn về cải cách tiền lương; quản lý công chức, viên chức- Ảnh 10.

Tự chủ là xu thế chung

Trả lời chất vấn đề về tự chủ có đẩy khó cho người học, phụ huynh và gia đình không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ tự chủ là xu thế chung, yêu cầu khách quan, là chủ trương lớn của Đảng.

Thời gian qua thực hiện tự chủ đạt kết quả nhất định nhưng còn những khó khăn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết mục tiêu đặt ra là đến 2021 phấn đấu cả nước có 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính và đến năm 2025 có 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính và giảm 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách.