CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chính phủ quyết nghị 3 quan điểm, yêu cầu; 5 chính sách xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi)

16:16 - 04/10/2022

(Chinhphu.vn) - Xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện theo hướng địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trên địa bàn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý khoáng sản

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27/9/2022 trong đó Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) cần quán triệt 3 quan điểm, yêu cầu sau:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Thứ hai, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; bảo đảm kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; giảm tối đa thủ tục hành chính.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng luật với các nội dung sau:

Về tên gọi của Luật: Thống nhất với đề xuất đổi tên dự án Luật này thành Luật Địa chất và Khoáng sản.

Chính sách 1: Về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản: Thống nhất với nội dung chính sách. 

Tuy nhiên, cần tiếp tục kế thừa các quy định về điều tra địa chất về khoáng sản và các thông tin dữ liệu về điều tra địa chất, khoáng sản để làm cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý nhà nước (xây dựng, giao thông, nông nghiệp...); đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ cho các ngành kinh tế, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Chính sách 2: Về hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản: Thống nhất với nội dung chính sách. 

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật có liên quan về quy hoạch, di sản văn hóa, bồi thường khi thu hồi dự án đầu tư...

Chính sách 3: Về hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản: Thống nhất với nội dung chính sách. 

Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết những tồn tại trong thời gian qua như không cho phép đầu tư dự án phát triển kinh tế, xã hội trên bề mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; không có quy định rõ về thời gian dự trữ để các địa phương chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân...

Chính sách 4: Về hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản: Thống nhất với nội dung chính sách. 

Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện theo hướng địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trên địa bàn nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tế (thủ tục cấp phép), tránh tình trạng cục bộ địa phương, gây thất thoát ngân sách nhà nước. 

Đặc biệt, cần nghiên cứu đổi mới thẩm quyền, phân cấp, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng thông thường (đất để san lấp mặt bằng, cát, sỏi...) cung cấp cho các công trình kết cấu hạ tầng sử dụng vốn nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phòng, chống thiên tai. 

Ngoài ra, cần bổ sung chính sách về chế biến khoáng sản bảo đảm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường và chính sách xuất nhập khẩu khoáng sản theo định hướng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chính sách 5: Tài chính về địa chất, khoáng sản: Thống nhất với nội dung chính sách. 

Tuy nhiên, pháp luật về khoáng sản hiện hành chưa đồng bộ với quy định của Luật Đấu giá tài sản, vì vậy cần có quy định vừa bảo đảm tính đồng bộ với Luật Đấu giá tài sản, vừa quy định được tính đặc thù trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đặc biệt là đối với các mỏ khoáng sản chưa xác định được trữ lượng).

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo quy định.

Vũ Phương Nhi