CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chính sách tài khóa 'khoan thư sức dân' đã tạo 'cú hích' mạnh mẽ cho phục hồi, phát triển kinh tế

15:19 - 19/08/2022

Đại dịch COVID-19 đặt ra gánh nặng chưa từng có tới nền kinh tế thế giới, buộc các quốc gia phải có chính sách hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các chính sách tài khóa, mà chủ đạo là việc miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được thực hiện hơn 2 năm qua, giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính sách tài khóa chiếm 83% gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay

Năm 2022, một chương trình hỗ trợ lớn chưa từng có được triển khai. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó triển khai các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị Chương trình, bao gồm các cấu phần hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực y tế, chuyển đổi số doanh nghiệp.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Chính sách thuế trong Chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ lãi suất từ tiền ngân sách nhà nước (NSNN) với giá trị 40 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy mô 6,6 nghìn tỷ đồng; chính sách tăng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô 113,85 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược. 

Đây đều là các chính sách được kỳ vọng tạo cú hích cho phục hồi kinh tế khi được triển khai hiệu quả.

Năm 2022 sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp 225,5 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất

Ngoài các chính sách ưu đãi thuế thuộc Chương trình này, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như: Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, dự kiến doanh nghiệp, người dân sẽ được giảm nghĩa vụ khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp với số tiền khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí, với số tiền được giảm khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2022; giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, số tiền giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng...

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 225,5 nghìn tỷ đồng. 

Nếu như những năm trước, gói hỗ trợ hơn 100 nghìn tỷ đồng thì gói hỗ trợ trong năm nay lớn hơn cả.

Đây là chương trình tương đối toàn diện, giúp người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh danh, tạo cú hích cho phát triển kinh tế.

Chính sách tài khóa 'khoan thư sức dân' đã tạo 'cú hích' mạnh mẽ cho phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình lớn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Chính sách tài khóa giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam: Doanh nghiệp đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, giảm chi phí. 

Cắt giảm thuế giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhất là trong giai đoạn hậu COVID-19. 

Đây là các giải pháp có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, thay vì nộp thuế cho Nhà nước, thì dành nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Những con số “biết nói”

Tính đến hết tháng 7/2022, trong số 48 nghìn tỷ đồng đã giải ngân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, có 31 nghìn tỷ đồng miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng…

Những con số “biết nói” đó cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đã hết sức trách nhiệm, vì dân.

Để nhanh chóng đưa các chính sách vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. 

Cụ thể là, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thực hiện trong 2 năm, nhưng đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai và hướng dẫn nhiều quy định, như: Bộ đã trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn việc thực hiện triển khai các chính sách miễn, giảm thuế. 

Đồng thời, hướng dẫn chính sách thực hiện tín dụng cho học sinh, sinh viên mua máy tính; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Doanh nghiệp, người dân hưởng lợi sẽ kích thích mạnh tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, trong giai đoạn kiểm soát, khống chế dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở lại bình thường, các chính sách tài chính sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, chúng ta có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và nhiều khoản thu ngân sách nhà nước, tạo thanh khoản, giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo nền tảng để phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua các chính sách về kích cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào hệ thống hạ tầng quan trọng.

Không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa đã tác động gián tiếp và lớn hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, phát triển bền vững của nền kinh tế. 

Các gói hỗ trợ lần này được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo lan tỏa cao khi phần lớn người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi sẽ kích thích mạnh tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Các chính sách tài khóa chiếm phần lớn trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó là sự vào cuộc rốt ráo, chủ động và hết sức trách nhiệm của Bộ Tài chính đã nhận được sự đánh giá cao từ dư luận, các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý.

Trong Phiên họp Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương. Trong đó, một số chính sách về giảm thuế, phí, lệ phí của ngành tài chính được triển khai rất nhanh, có tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian tương đối ngắn.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã đồng quan điểm khi cho rằng, chính sách tài khóa đưa ra một loạt các giải pháp nhất là về thuế, phí, lệ phí trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được trực tiếp thụ hưởng, giúp giảm bớt các khó khăn trong quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Không hứa suông và đã nói là làm, kế hoạch thực hiện Chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục rà soát và kiểm tra tiến độ, trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành.

Đối với ngành Tài chính, ngay từ đầu năm Bộ đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện và chủ động triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định, trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh…, Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp.

Thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để phát huy hiệu quả chính sách tài khóa, trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng vào khâu triển khai và phối hợp chính sách.

Ngoài ra, cùng với việc triển khai hiệu quả Chương trình, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu thế giới gia tăng tác động lên lạm phát, cần tiếp tục phát huy, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra.