CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đặt bẫy ảnh để xác minh thực hư hổ xuất hiện ở Phong Nha - Kẻ Bàng

20:56 - 10/08/2022

(Chinhphu.vn) - Sau khi người đi rừng phản ánh gặp hổ tự nhiên xuất hiện ở KM24 trên đường 20 Quyết Thắng trong vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng, cơ quan chức năng đang đặt bẫy ảnh để xác minh về hổ.

Ngày 10/8, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) cho biết, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tiến hành đặt bẫy ảnh tại khu vực rừng mà người dân phản ánh có hổ xuất hiện.

Được biết, trước đó trong quá trình vào rừng thám hiểm, một người dân đã phản ánh gặp hổ xuất hiện ở khu vực KM24 trên đường 20 Quyết Thắng, thuộc vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Khi gặp hổ, người này hoảng sợ đã vội leo lên cây và đánh tiếng, sau đó hổ cũng bỏ chạy vào rừng sâu. Người gặp hổ đã chạy về báo với Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm vào hiện trường truy tìm dấu vết.

Để xác minh chính xác thông tin và có cơ sở khoa học, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã giao Hạt Kiểm lâm tiến hành đặt bẫy ảnh tại khu vực rừng mà người dân phản ánh có hổ xuất hiện và các khu vực lân cận.

Bẫy ảnh là công cụ nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã, góp phần bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. 

Bẫy ảnh sẽ thu thập, lưu lại được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Trung tâm Bảo vệ Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) thì bức ảnh chụp được hổ cuối cùng ở Việt Nam là từ năm 1998. Đã 24 năm qua, SVW đã không thu thập được bằng chứng, dấu tích nào của hổ trong tự nhiên, vì vậy, nếu trường hợp người dân nhìn thấy hổ ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là chính xác thì đây là một phát hiện “động trời” cho giới bảo tồn.

Việt Nam, ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên

Đầu năm 2022, thông tin trên Vietnamplus.vn, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), hiện nay tại Việt Nam, ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên.

Tuy nhiên, số cá thể hổ trên cũng chỉ được WWF thống kê từ con số ước tính của IUCN tính đến năm 2015, bởi kể từ năm 2009, Việt Nam không có ghi nhận nào về hổ hoang dã và cũng không thực hiện khảo sát quốc gia nào về hổ ngoài tự nhiên.

Trước sự suy giảm của hổ, năm 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra tại Nga, Việt Nam và 12 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022 - là năm Nhâm Dần, năm hổ.

Tiếp đó, ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm; từng bước phục hồi và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh về hổ.

Đặt bẫy ảnh để xác minh thực hư hổ xuất hiện ở Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 1.

Việt Nam đã đưa Hổ vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Việt Nam nỗ lực bảo tồn hổ

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày quốc tế về bảo tồn hổ được bắt đầu từ ngày 29/7/2010 và liên tục được tổ chức, hưởng ứng trong nhiều năm qua. Sự kiện này được ghi nhận để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn sự sống còn cho loài hổ vốn đang đứng bên bờ tuyệt chủng do sự săn bắn hổ trái phép quá mức.

Trong những năm gần đây, loài hổ hoang dã tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. 

Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của IUCN, tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.

Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. 

Những thông tin này cho thấy tình trạng của loài hổ hiện nay là vô cùng nguy cấp. Nếu không hành động kịp thời, hổ có thể sẽ nối gót tê giác, vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam.

Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam.

Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ. 

Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ.

Để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại tránh khỏi nạn săn bắn, buôn bán trái phép, Việt Nam đã đưa Hổ vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không tách rời sự sống và sản phẩm của hổ đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 Bộ luật Hình sư về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Mức phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam với số tiền phạt lên tới 15 tỷ đồng.

7 nhóm giải pháp bảo tồn hổ

Đồng thời, chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 được phê duyệt với 7 nhóm giải pháp chính: Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và đề xuất xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; Xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên; Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ; Tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và ĐVHD trái phép; Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn hổ; Tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về công tác bảo tồn hổ.

Chương trình tập trung vào các khu vực có khả năng còn hổ sinh sống, cũng như các khu vực có tiềm năng phục hồi hổ như: Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát (Nghệ An), Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum) và các khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (Sơn La), Sông Thanh (Quảng Nam).

Với  những nỗ lực nêu trên,  Tiến sĩ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình, WWF đã đánh giá “Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở Việt Nam; loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ; tăng cường nguồn lực cho các khu bảo tồn để ngăn chặn săn trộm và phục hồi quần thể thú mồi của hổ nhằm chuẩn bị môi trường sống đầy đủ và an toàn cho việc tái thả hổ tại Việt Nam trong tương lai”.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam vẫn đang và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang được triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ.