Để sản phẩm OCOP của Thủ đô ‘đứng vững’ trên thị trường

04/05/2022 9:39 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, với hơn 1.050 sản phẩm. Để đứng vững trong thị trường cạnh tranh, TP. Hà Nội đang xây dựng lộ trình nâng cao giá trị, thương hiệu các sản phẩm OCOP của Thủ đô.

Để sản phẩm OCOP của Thủ đô ‘đứng vững’ trên thị trường  - Ảnh 1.

Người dân chọn mua sản phẩm OCOP tại các điểm, giới thiệu bán sản phẩm OCOP. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng

Huyện Phúc Thọ được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu. Trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP, gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, huyện Phúc Thọ có nhiều nông sản, thực phẩm có giá trị cao về kinh tế, văn hóa…

Đến nay, toàn huyện Phúc Thọ đã phát triển được 50 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng đạt 4 sao và 25 sản phẩm được cấp 3 sao.

Nhận thức được ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP và chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể, địa phương đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp Thành phố.

Đồng thời, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện Phúc Thọ đã phối hợp với các sở ngành hỗ trợ chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng.

Thực tế cho thấy, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, chính chủ thể (Hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân) đều có hướng sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Người sản xuất đều mong muốn, sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Xã Ba Trại, huyện Ba Vì, hiện có 471ha trồng chè, trong đó có 40ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm chè của hợp tác xã đã được cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, đánh giá bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Đinh Công Phu, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết, mới đây, huyện Ba Vì đã tổ chức đánh giá, phân hạng 54 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể (vượt 16 sản phẩm so với kế hoạch đề ra năm 2021).

Các sản phẩm tham gia chủ yếu là nông sản, đồ uống có thế mạnh của huyện như: Sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa bò Ba Vì, mật ong rừng, chè búp khô, bưởi, tương nếp, đồ gỗ mỹ nghệ... Đây là những sản phẩm được huyện Ba Vì lựa chọn kỹ lưỡng, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và câu chuyện sản phẩm hay.

Tại huyện Gia Lâm, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP. Khác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp này tập trung đầu tư, chế tạo ra dòng sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao, định hướng xuất khẩu. Vừa qua, 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen đã được Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 5 sao trong Chương trình OCOP. Đây cũng là bốn sản phẩm 5 sao duy nhất cho đến nay của TP. Hà Nội.

Ngoài 4 sản phẩm OCOP 5 sao kể trên, Hà Nội hiện còn có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tuy nhiên, con số những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất trong thang đánh giá, phân hạng OCOP cấp Trung ương vẫn còn rất khiêm tốn bởi Hà Nội đã có tổng số gần 1.650 sản phẩm OCOP được phân hạng từ 3 sao trở lên.

Tăng kết nối, quảng bá thương hiệu OCOP

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.

Gần đây nhất, vào tháng 3/2022, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội chợ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tại huyện Hoài Đức. Sự kiện quy tụ hơn 100 gian hàng của các chủ thể đến từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hàng nghìn sản phẩm "trên rừng, dưới biển" được các địa phương phân hạng từ 3 sao trở lên.

Tổng Giám đốc Công ty CP Trà xạ đen MD Queens Trịnh Anh Thư cho biết, hội chợ đã tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp, cũng như các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Đặc biệt là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô.

Để phục hồi chuỗi đứt gãy giao thương do dịch COVID-19 gây ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị xây dựng được thêm ít nhất 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa chất lượng từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng Thủ đô. Phấn đấu để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.

Diệu Anh

Top