Giải pháp để ngăn ngừa trẻ hoá bệnh lao

08/11/2022 16:59

(Chinhphu.vn) - Trước đây bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, thì ngày nay càng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc phải bệnh lao. Theo ước tính, mỗi năm có tới 13.000 trẻ em mắc bệnh lao ở nước ta cần điều trị.

Giải pháp để ngăn ngừa trẻ hoá bệnh lao - Ảnh 1.

Bệnh nhân khi có triệu chứng bệnh lao cần phải đi thăm khám để có sự tư vấn của bác sĩ và điều trị kịp thời. Ảnh: Thùy Chi

Khoảng 1,8 triệu người trẻ tuổi đang mắc bệnh lao

Theo một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận mức tăng trong các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập niên. Các quan chức WHO cho rằng đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng đột biến số ca chết liên quan đến bệnh lao phổi, do các lệnh phong tỏa cản trở việc chẩn đoán hoặc điều trị của nhiều bệnh nhân.

Báo cáo của WHO nêu rõ, trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm ngoái, 1,6 triệu người đã chết. Ước tính toàn cầu hiện có khoảng 1,8 triệu người trẻ từ 10-24 tuổi đang mắc bệnh lao, chiếm 17% ca nhiễm. Đây là nhóm đối tượng được quan tâm nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh lao.

Tỷ lệ lây truyền bệnh lao ở nhóm tuổi này có thể cao hơn tới 20 lần so với các nhóm tuổi khác, một phần do giới trẻ có nhiều mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay vẫn chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe, thậm chí nhiều người trẻ còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm cũng như không có kiến thức về các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lao.

Mặt khác, ngoài việc lo sợ bị kỳ thị, người bệnh còn gặp phải nhiều rào cản trong việc tiếp cận hệ thống cơ sở y tế cũng như thiếu sự hỗ trợ của gia đình, xã hội. Chính những điều đó đã dẫn đến hàng triệu người không tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh và điều trị.

Những rào cản trên được ghi nhận ở thanh thiếu niên cao hơn so với các nhóm tuổi khác với tỷ lệ 82% những người có triệu chứng không được chăm sóc và 71% thanh thiếu niên mắc lao xem đó là triệu chứng của bệnh ho hay cảm thông thường.

Tại Việt Nam, hằng năm hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao. WHO ước tính số ca lao trẻ em mới mắc hằng năm tại Việt Nam chiếm khoảng 10% - 11% tổng số lao mắc mới. Như vậy, mỗi năm có tới 13.000 trẻ em mắc bệnh lao mới cần phải điều trị. Trong khi đó, mỗi năm Chương trình chống lao quốc gia mới chỉ phát hiện và quản lý điều trị được 10% - 13% số ca trẻ em mắc lao mới.

Chung tay vì cộng đồng không có bệnh lao

Hiện nay, có nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị mắc bệnh lao nhưng do thiếu hiểu biết nên đã không điều trị kịp thời, trong khi đó, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đối với những trường hợp để lâu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, khó lường.

Trường hợp em N.T.M, 13 tuổi, quận Hoàng Mai là một điển hình, em có triệu chứng ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân, ăn uống kém… Nghĩ chỉ bị ho, cảm lạnh bình thường nên em M. đã không nói với gia đình để đi bệnh viện thăm khám, được điều trị sớm. Cho đến hôm em bị sốt cao, nôn, ói mửa nhiều thì gia đình mới tá hỏa đưa em đến bệnh viện, lúc này bác sĩ kết luận em đã mắc bệnh lao.

Hay trường hợp của N.N.T, 17 tuổi làm nghề thợ xây, bị tình trạng ho kéo dài ho khan, ho có đờm, ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng khó thở, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi và đổ mồ hôi trộm nhiều về ban đêm… Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về bệnh lao nên đến khi đi bệnh viện để khám, điều trị thì bệnh tình của T. đã trở nặng.

Ở bất cứ lứa tuổi nào khi làm việc quá mức, không nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ, thức khuya làm cho sức đề kháng kém đi, khi gặp môi trường không thuận lợi, người bị nhiễm lao ho ra và sẽ bị lây.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp. Bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Thêm vào đó, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao, đặc biệt là thể lao sơ nhiễm - mới nhiễm rất ít nên khó phát hiện, đôi khi thầy thuốc vẫn lãng quên và không nghĩ đến có lao ở trẻ em.

Hiện nay, phác đồ điệu trị bệnh lao phổi là 6 tháng, tương tự như COVID-19 khi điều trị lao thành công, nếu sức đề kháng yếu gặp người đang nhiễm nếu không cẩn thận sẽ có thể bị nhiễm lại.

Bệnh lao là bệnh lây qua đường hô hấp, do vậy người bị nhiễm lao phải biết giữ gìn cho cộng đồng, không khạc, nhổ tại nơi công cộng, đặc biệt rất dễ lây cho người già, trẻ em. Người lớn khi có các triệu chứng như: ho kéo dài, sốt, sụt cân phải đi khám bệnh ngay. Trẻ nhỏ nếu không chịu lớn, gầy gò, bú kém cần phải đi khám để xem có lao hay không. Bản thân người dân nếu muốn phòng chống bệnh lao phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống điều độ, không học hành quá mức, ăn uống thất thường để phòng chống lao và có sức khỏe tốt.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh lao, trẻ em cần được tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên vaccine chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng cho trẻ sống chung với HIV.

Vì vậy, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điều trị dự phòng lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70% - 80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng, phòng tránh, thanh thiếu niên nên tìm hiểu thêm bệnh lao thông qua trò chơi tương tác "Những chiến binh chống lao". Trò chơi trí tuệ này do Chương trình phòng chống lao quốc gia của Việt Nam phối hợp với Johnson & Johnson triển khai giai đoạn hai chiến dịch "Thế hệ trẻ - Những chiến binh chống lao" và ra mắt trò chơi tương tác này.

Theo ông Nhung, thanh thiếu niên tham gia chiến dịch "Thế hệ trẻ - Những chiến binh chống lao" một cách mạnh mẽ sẽ giúp cộng đồng loại bỏ bệnh lao, hướng đến một thế giới tốt đẹp, an toàn và khỏe mạnh hơn khi không có bệnh lao.

Thùy Chi

Top