CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Triệt để tiết kiệm chi: KBNN từ chối thanh toán 270 tỷ đồng; thu NSNN trên 5.662 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

12:32 - 19/08/2022

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước KBNN đã từ chối thanh toán 3.451 món chi với tổng số tiền 270 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã thu nộp NSNN trên 5.662 tỷ đồng.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên

Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) tháng 7/2022 của Bộ Tài chính cho biết, với việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách, chi ngân sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình UBTVQH quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của ngân sách trung ương năm 2021, trong đó bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi. 

Yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình UBTVQH cho chuyển 15,6 nghìn tỷ đồng các nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022 để mua vaccine phòng COVID-19 (6,99 nghìn tỷ đồng) và chi cho công tác phòng, chống dịch (8,6 nghìn tỷ đồng).

KBNN từ chối thanh toán 270 tỷ đồng; thu nộp NSNN trên 5.662 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra - Ảnh 1.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Tăng cường kiểm soát chi, hệ thống KBNN từ chối thanh toán 270 tỷ đồng

Cơ quan Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư; đồng thời chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp, các đối tượng gửi tiền tại KBNN. 

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2022, hệ thống KBNN đã đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thiện, bổ sung hồ sơ thanh toán theo đúng quy định 598.387 món chi với tổng số tiền 76.554 tỷ đồng. Số thực từ chối thanh toán 3.451 món chi với tổng số tiền 270 tỷ đồng.

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN, Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát NSNN nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN. 

Thu nộp NSNN trên 5.622 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Trong 7 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đã thực hiện 38.893 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 501.954 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan.

Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 29.121 tỷ đồng (gồm, kiến nghị thu nộp NSNN hơn 7.288 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 19.697 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2.136,8 tỷ đồng). Số tiền đã thu nộp NSNN trên 5.662 tỷ đồng.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; rà soát, sắp xếp, xử lý xe ô tô công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. 

Đặc biệt, việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công đã cơ bản hoàn thành làm cơ sở tổ chức, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác và xử lý tài sản công.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí ngày càng đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Về phía Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC. Tính đến ngày 29/7/2022, tổng số TTHC của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 821 TTHC. Bộ Tài chính đã công bố bãi bỏ 129 TTHC; sửa đổi, bổ sung thay thế 174 TTHC; công bố mới 54 TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, tài chính ngân hàng và tài chính doanh nghiệp. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính đã được cung cấp trên DVCTT.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sắp xếp lại, xử lý nhà đất công

Báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/7/2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.733 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả.

Đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 866 thủ tục. Trong đó, DVCTT mức độ 3,4 là 519 thủ tục (đạt tỷ lệ 59,93%), đã hoàn thành kết nối, tích hợp 358/519 DVCTT mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 68,98%). 

Với kết quả này, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2 trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ với chỉ số cải cách hành chính đạt 91,9/100 điểm. 

Đây là năm thứ 8 liên tiếp (từ năm 2014 - 2021) Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu trong khối các bộ, ngành.

99,93% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử

Trong lĩnh vực thuế, có 99,93% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, với số lượng hồ sơ tiếp nhận là trên 10 triệu hồ sơ; trên 99% doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. 

Đến nay, trên cả nước đã có 825.929 đơn vị và 62.679 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

Trong lĩnh vực hải quan, có 249 TTHC được cung cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với 13 bộ, ngành tham gia kết nối, xử lý được hơn 4,9 triệu hồ sơ của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Trong lĩnh vực KBNN, hệ thống DVCTT mức độ 4 hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT của KBNN, với số lượng giao dịch hồ sơ, chứng từ chi NSNN phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc).