CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Lời giải nào cho 'bài toán' thiếu thuốc, trang thiết bị y tế?

07:39 - 27/06/2022

(Chinhphu.vn) - Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, vật tư, trang thiết bị y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, cũng như quyền lợi của người bệnh.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên? Bộ Y tế có những giải pháp khắc phục khẩn cấp gì cho tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế đang rất “nóng” hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người bệnh? 

Lời giải nào cho 'bài toán' thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Bộ Y tế đã xác định các nguyên nhân thiếu thuốc để có giải pháp khắc phục kịp thời

Trên báo CAND, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: Qua phản ánh của các đơn vị, Bộ Y tế cũng nhận được thông tin có hiện tượng thiếu thuốc cục bộ tại các cơ sở y tế, hiện tượng thiếu thuốc này tập trung chủ yếu tại cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. 

Bộ Y tế đã xác định các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế của bệnh nhân. Sau khi xem xét và phân tích nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc hiện nay tại các cơ sở y tế bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Có thể kể đến các nguyên nhân chính như: Sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng thuốc của bệnh viện tăng, số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết các bệnh viện. Cơ sở y tế gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc.

Cơ sở y tế tập trung tối đa nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch và giải quyết các vấn đề sau dịch, vì vậy công tác tổ chức đấu thầu của các cơ sở y tế bị gián đoạn. Một số thuốc có ít nhà thầu cung ứng (mặc dù các bệnh viện đặt kế hoạch mua lớn). Cơ sở y tế không lựa chọn được nhà thầu do không có nhà thầu tham dự, hoặc nhà thầu dự thầu có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch.

Giá kế hoạch của một số mặt hàng thuốc chưa phù hợp với sự biến động tăng giá thuốc. Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thực hiện chưa có kết quả, dẫn tới các cơ sở y tế bị động trong cung ứng thuốc. 

Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, chi phí nguyên vật liệu tăng làm tăng các chi phí cấu thành giá, nhất là đối với các thuốc hiếm, sử dụng với số lượng ít tại các cơ sở y tế.

Mặt khác, trước một số vi phạm gần đây liên quan đến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế trên phạm vi cả nước, điều này có thể phát sinh tâm lý lo lắng, e ngại sợ sai khi tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc theo quy định để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Thiếu trang thiết bị y tế: Quy định còn vướng mắc, đơn vị lo ngại

Với việc thiếu trang thiết bị y tế, nguyên nhân khách quan do đặc thù của trang thiết bị y tế, nên việc mua sắm trang thiết bị y tế theo Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn về xây dựng giá kế hoạch.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, việc xây dựng giá kế hoạch căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu (báo giá hợp lệ, kết quả thẩm định giá, hợp đồng tương tự, dự toán mua sắm được duyệt, thông tin chính thống trên internet) của nhà cung cấp gặp khó khăn. 

Các đơn vị địa phương mua sắm căn cứ theo giá đã mua trước đó hoặc của các đơn vị khác đã trúng thầu trong vòng 12 tháng. Mặc dù khi giá cao hơn quy định cho phép đơn vị thuyết minh lý do, nhưng hầu hết các đơn vị đều e ngại việc giải trình với cơ quan kiểm tra, giám sát sau này.

Nguyên nhân nữa là còn thiếu hướng dẫn cụ thể để thống nhất như thế nào là báo giá hợp lệ làm cơ sở xác định giá kế hoạch. Bên cạnh đó, giá trang thiết bị y tế được xác định thông qua đấu thầu. 

Tuy nhiên, việc xây dựng dự toán để đấu thầu gặp nhiều khó khăn do yêu cầu đặc thù về mặt chuyên môn của lĩnh vực y tế. Mặc dù mua sắm cùng chủng loại thiết bị nhưng lại có yêu cầu về cấu hình, tính năng kỹ thuật, chi tiết khác nhau dẫn đến giá dự toán khác nhau...

Theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP thì chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế chịu trách nhiệm thực hiện về kê khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trước khi đưa trang thiết bị y tế đầu tiên lưu hành trên thị trường Việt Nam và không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

Tuy nhiên, việc kê khai giá của các doanh nghiệp còn có một số mặt hàng chưa được kê khai giá kịp thời, do đó thiếu thông tin cho các cơ sở y tế thực hiện mua sắm. Qua rà soát, hiện nay trên hệ thống đã có trên 140.000 mặt hàng được kê khai giá, cơ bản đáp ứng đủ theo yêu cầu. Qua phản ánh số hàng hóa chưa kê khai giá không nhiều và một số vật tư thuộc nhóm hàng hóa không phải thực hiện kê khai giá.

Về nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiếu vật tư y tế do một số đơn vị chưa chủ động trong lập kế hoạch mua sắm kịp thời trước khi hợp đồng mua sắm năm trước hết hạn hợp đồng; trong khi thời gian làm thủ tục đấu thầu dài (thường mất 4 đến 6 tháng, chưa kể việc có thể phải hủy đấu thầu lại), do đó khi hợp đồng năm trước hết hạn đơn vị chưa kịp đấu thầu xong hợp đồng của năm nay, dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn (thực tế trước đây vẫn có việc này, nhưng khi thiếu các đơn vị thường vay, mượn để sử dụng và trả sau, nhưng hiện nay không thực hiện được).

Việc thực hiện đấu thầu mua sắm thời gian qua có sự bị chững lại, một phần do tâm lý các đơn vị lo ngại việc thực hiện đấu thầu khi chưa kiểm soát được giá cả do còn thiếu thông tin và sợ trách nhiệm. Trong đấu thầu mua sắm tập trung khi có gói thầu bị đấu lại sẽ làm chậm việc mua sắm, dẫn đến thiếu hàng hóa.

Lời giải nào cho 'bài toán' thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 2.

Bộ Y tế sẽ trình cấp có thẩm quyền các dự thảo luật để sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập trong mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong thời gian qua, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP đã tiến hành từng bước ủy quyền, phân cấp thẩm quyền mua sắm để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, thực tế lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có tâm lý e dè, thận trọng hơn trong công tác đấu thầu, mua sắm.

Điều này khiến cho họ có tư tưởng cầm chừng, chờ đợi và không dám mua sắm, dẫn tới thực trạng việc mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế đang bị chậm lại, kết quả là một số cơ sở điều trị thiếu thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc. Nguyên nhân thì như tôi đã phân tích ở trên.

Ngày 21/6/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tại Khoản 3, Điều 6 về dịch vụ công không sử dụng ngân sách Nhà nước quy định: Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo quy định về cơ chế tự chủ, các đơn vị trong trường hợp chưa xác định thẩm quyền quyết định phê duyệt dự toán chi, thẩm quyền quyết định mua sắm từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao về tự chủ tài chính. Vì vậy việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị công lập đã chững lại, chưa tổ chức việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định 60 có hiệu lực.

Mặt khác, việc đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá do số lượng danh mục nhiều, phải tiến hành rà soát danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia trước thời điểm mở thầu, đến nay chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp cấp thuốc. 

Hiện nay, Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đang trong quá trình đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu để bảo đảm dúng quy định và đáp ứng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu. Việc kiểm soát giá kế hoạch nhằm đảm bảo thuốc trúng thầu đảm bảo chất lượng và giá kế hoạch nằm trong dải giá trúng thầu trong vòng 12 tháng.

Về vấn đề bất cập do quy định phải dùng tối thiểu 80% thuốc trúng thầu, Bộ Y tế đang xem xét, nghiên cứu để khắc phục theo hướng đối với thuốc cấp cứu, thuốc giải độc, thuốc hiếm, thuốc cho phòng, chống dịch và thuốc sử dụng trong những tình huống khẩn cấp khác... cơ sở y tế được sử dụng theo nhu cầu thực tế nhưng phải có trách nhiệm thông báo cho nhà thầu trúng thầu.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để hoàn thiện hành lang pháp lý

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm: Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế có báo cáo cụ thể về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp tổng thể nhằm giải quyết vấn đề này. 

Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ và tích cực với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành liên quan để xây dựng những hành lang pháp lý về công tác đấu thầu và hình thức đấu thầu xã hội hóa trong y tế.

Do diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp và thường xuyên thay đổi, khó tiên lượng trong thời gian qua nên việc ban hành Luật, Nghị định (kể cả rút gọn) sẽ không đáp ứng được yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, đồng thời sẽ khó chủ động và linh hoạt trong điều hành hoạt động phòng, chống dịch. 

Từ năm 2022, khi tình hình dịch đã ổn định, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội các dự thảo luật để sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập.

Cụ thể là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ và ngày 9/5 Chính phủ đã có Tờ trình 164/TTr-CP trình Quốc hội Dự án Luật. Ngày 12/5, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến tại hội trường Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế đang khẩn trương chỉnh lý, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định, kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và đáp ứng yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

Chính phủ đã thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và đã có Tờ trình số 03/TTr-QH ngày 11/2/2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Y tế đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình dự án Luật, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đã hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2023. Đối với Luật Trang thiết bị, Bộ Y tế đang ban hành kế hoạch Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2023. Còn dự án Luật Phòng bệnh, Bộ đang hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024./.