Mô hình giúp giảm tệ nạn xã hội tại Đà Nẵng

01/02/2023 11:24

(Chinhphu.vn) - Qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện tại Đà Nẵng, đến nay đã có 283 đối tượng tham gia, trong đó tỷ lệ đối tượng tiến bộ là hơn 75%. Từ đó đã giảm được tỷ lệ người đưa đi cai nghiện tập trung tại cơ sở, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Mô hình giúp giảm tệ nạn xã hội tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Một chương trình Hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy do Sở LĐTB&XH Đà Nẵng tổ chức

Người nghiện được hỗ trợ

Cuối tháng 10/2020, T.M.H. (sinh 1997, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) bị phát hiện sử dụng ma túy. Cơ quan công an đã lập hồ sơ để đưa T.M.H đi cai nghiện. Điều phối viên sau khi tiếp nhận H. từ cơ quan công an đã phối hợp với nhân viên y tế tư vấn cho T.M.H.

Đối tượng này có nguyện vọng được cai nghiện tại gia đình để cơ hội làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình, mức độ nghiện của T.M.H, Tổ công tác cai nghiện ma túy phường Vĩnh Trung đã đồng ý cho T.M.H. được cai nghiện tại nhà.

Quá trình T.M.H. cai nghiện tại nhà, các thành viên trong Tổ công tác cai nghiện ma túy phường Vĩnh Trung thường xuyên theo dõi và giúp đỡ T.M.H. Đối tượng này đẫ chấp hành tốt việc cai nghiện.

Vĩnh Trung là một trong 6 phường của Đà Nẵng tham gia thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy. Trước đó, năm 2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy giai đoạn 2019 - 2021 tại phường Hải Châu II, quận Hải Châu và phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.

Đây là hình thức đối tượng tham gia vừa được hỗ trợ, kết nối, tư vấn các các dịch vụ để thực hiện biện pháp cai nghiện vừa có thể chung sống cùng gia đình, nhận được sự động viên, khích lệ từ người thân, là động lực và quyết tâm cai nghiện thành công, góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung và tăng cường công tác hỗ trợ các dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng.

Với những lợi ích đó, năm 2020, Thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn thí điểm thêm 4 phường: Thuận Phước và Bình Thuận (quận Hải Châu), Thanh Khê Đông và Tam Thuận (quận Thanh Khê).

Hàng năm, UBND các phường tham gia thí điểm mô hình ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người thân khuyến khích các đối tượng sử dụng ma túy tham gia mô hình, tổ chức các lớp tập huấn về tác hại và kỹ năng phòng, tránh ma túy; phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng hướng nghiệp, học nghề, hỗ trợ sinh kế…tổ chức tọa đàm với đối tượng và thân nhân gia đình đối tượng; kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng mô hình.

Qua đó, đã tổ chức tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm trên 570 lượt người tham gia, xây dựng sổ tay, pano sơ đồ chuyển gửi. Tổ chức 74 buổi cho 2.132 người tham dự sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống ma túy tại 6 phường.

Tổ chức tập huấn kỹ năng sống cho 180 đối tượng tham gia mô hình tại Làng Lụa Hội An. Thường xuyên đa dạng hóa các nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nâng cao vai trò công tác quản lý, giám sát đối tượng ma túy tại địa phương, lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm tại cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Định kỳ hàng tháng, các thành viên trong Tổ công tác cai nghiện tổ chức gặp mặt, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với đối tượng nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm, ổn định đời sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Công an các phường tổ chức các đợt rà soát trong cộng đồng dân cư để tư vấn, vận động những người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy tham gia mô hình; thực hiện việc kiểm danh, kiểm diện, thử test đối với các trường hợp nghi vấn sử dụng ma túy để hỗ trợ thực hiện các dịch vụ chuyển gửi phù hợp với từng đối tượng.

Thiết thực và nhân văn

Qua 3 năm triển khai hoạt động của mô hình "Hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy" tại 6 phường đến nay đã có 283 đối tượng tham gia. Phần lớn các đối tượng tham gia mô hình ở các phường đều được tư vấn về tác hại của ma túy, các hình thức, biện pháp cai nghiện, các chính sách hỗ trợ sinh kế, học nghề đối với người sử dụng và nghiện ma túy… và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý với 1.210 lượt và được chuyển gửi đến Trung tâm Y tế, Cơ sở Methadone; Bệnh viện Tâm thần, Cơ sở xã hội Bầu Bàng; hỗ trợ sinh kế 31 đối tượng, học nghề 10 người.

Trong đó có 213 đối tượng tiến bộ (75,27%) và đến nay 185 đối tượng có việc làm (65,37%). Một số đối tượng sau khi tham gia mô hình đã được cải thiện và sống có ích cho gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai mô hình cho thấy, tâm lý người tham gia cai nghiện vẫn còn gặp nhiều rào cản, sợ kỳ thị, chưa mạnh dạn tham gia vào mô hình. Đội ngũ cán bộ xã phường hầu hết là kiêm nhiệm, không thường trực do vậy việc bám sát mô hình cũng như bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ tham gia mô hình chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc đưa người sử dụng ma túy vào tham gia mô hình để thực hiện chuyển gửi còn nhiều vướng mắc, một số trường hợp nghiện ma túy có nhiều tiền án, tiền sự nên quá trình sàng lọc gặp nhiều khó khăn...

Mặc dù vậy, nhìn chung mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối điều trị nghiện tại cộng đồng đã đem lại hiệu quả thiết thực và mang tính nhân văn. Việc triển khai thí điểm mô hình trong thời gian qua đã và đang phát huy được các mặt tích cực trong cộng đồng; đồng thời giảm được tỷ lệ người đưa đi cai nghiện tập trung tại cơ sở; tạo điều kiện cho các địa phương giảm được tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Đây cũng là tiền đề để UBND Thành phố Đà Nẵng xem xét duy trì và mở rộng hoạt động của mô hình trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.

Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 quận và 20 phường của Hà Nội và Đà Nẵng. Trong suốt 3 năm, Mô hình đã tiếp nhận 973 người tham gia, trong đó Hà Nội có 690 người, Đà Nẵng có 283 người. Mô hình thực hiện tư vấn về điều trị, cai nghiện ma túy; các chính sách hỗ trợ sinh kế; học nghề đối với người sử dụng và nghiện ma túy,… và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý, chuyển gửi đến Trung tâm y tế/Cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc; cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Bệnh viện Tâm thần để được điều trị nghiện loạn thần; Cơ sở cai nghiện ma túy để cai nghiện tự nguyện.

Hoàng Giang

Top