Nâng ‘chất’ điểm đến gắn với với du lịch di sản

30/01/2023 4:20 PM

(Chinhphu.vn) - Di sản văn hóa được coi là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Tại Thủ đô Hà Nội, việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản gắn với du lịch, đã góp phần đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.

Nâng ‘chất’ điểm đến gắn với với du lịch di sản - Ảnh 1.

Sản phẩm tour du lịch đêm hứa hẹn tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Thủ đô. Ảnh: VGP/TN

Hà Nội - Điểm đến của những trải nghiệm

Hiện nay, Hà Nội định vị là điểm đến du lịch văn hóa, di sản với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Phát huy sản phẩm du lịch truyền thống, Hà Nội cũng tập trung khai thác tour du lịch xanh như: Tham quan phố cổ bằng xe điện, tham quan Thăng Long Tứ Trấn, tour xe đạp trên phố và khám phá ngoại thành qua các hoạt động trekking, leo núi ở Ba Vì; dù lượn ở Chương Mỹ…

Trong đó, sản phẩm du lịch "Hanoi City Tour" là tuyến xe buýt 2 tầng đầu tiên của Hà Nội với lộ trình 25 tuyến phố và 15 điểm dừng chân là các điểm tham quan nổi bật đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế. Ngoài khám phá hình ảnh Hà Nội hiện đại, năng động, du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến qua hệ thống thuyết minh bằng 10 ngôn ngữ (Việt Nam, Anh, Pháp…) trên nền tảng GPS.

Không chỉ vậy những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội đã xây dựng ứng dụng tham quan ảo và hệ thống thuyết minh tự động, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Việc số hóa các di sản tại Bảo tàng, di tích, khu du lịch góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý thông qua chuyển đổi số. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng…

Mới đây, để tăng sức hút cho du khách nước ngoài, TP. Hà Nội cũng đã xây dựng sản phẩm mới với tên gọi "Đêm hoàng cung". Sản phẩm tour đêm này bước đầu tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Thủ đô. Tour "Đêm hoàng cung" chính thức ra mắt vào đầu tháng 1/2023 đã mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ, khác biệt so với tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" dành cho khách nội địa đã vận hành từ tháng 4/2021.

Điểm hấp dẫn của "Đêm hoàng cung" thể hiện ở việc trước khi tham gia tour, du khách sẽ được mặc trang phục cổ xưa, đắm mình trong một không gian hoàng cung lung linh về đêm với hàng trăm chiếc đèn lồng được thắp sáng. Du khách sẽ được khám phá những nét độc đáo từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến các di tích khảo cổ theo hành trình di chuyển từ cổng Đoan Môn, khu trưng bày cổ vật, điện Kính Thiên và khu khảo cổ.

Trên hành trình khám phá, du khách sẽ hiểu hơn câu chuyện về kinh thành Thăng Long với các triều đại vua thông qua những nét kiến trúc, di tích khảo cổ, như: Chuyện về bức tường gạch cổ xếp theo các tầng niên đại khác nhau, những chiếc giếng cổ luôn đầy ắp nước hay câu chuyện về Thăng Long qua nghệ thuật múa rối…

Được biết, sản phẩm mới giúp du khách khám phá lịch sử, văn hóa Việt một cách nhẹ nhàng, kết hợp giữa trải nghiệm, tìm hiểu thông tin các di sản và thưởng thức nghệ thuật. Chương trình biểu diễn múa rối sẽ nối mạch cảm xúc của du khách khi bước chân vào Hoàng thành Thăng Long, sau khi đã chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc hoàng cung từ phía cổng Đoan Môn, những lớp trầm tích cổ kính của cung điện xưa. Thông qua vở diễn, du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội khi Vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long".

Tăng cường triển khai các loại hình du lịch mới

Nâng ‘chất’ điểm đến gắn với với du lịch di sản - Ảnh 2.

Khách trải nghiệm du lịch tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: VGP/TN

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay, năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Cụ thể, khách quốc tế đạt 3 triệu lượt, tăng 100% so với năm 2022, 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Trong đó, chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch từ trung tâm Thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì. Tăng cường triển khai các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, sông Hồng...

Thúc đẩy phát triển du lịch MICE(du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, lễ hội quy mô lớn của quốc gia và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước, quốc tế.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch tham gia tour trải nghiệm đêm như "Đêm thiêng liêng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian...

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch như tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn";

Đồng thời, phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; thực hiện tích cực các chương trình quảng bá du lịch đối ứng…

Thành Nam

Top