Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chúng tôi đến thăm gia đình, nhưng ông đang ở công trường mở đường từ Nặm Cốc về Lũng Pèn. Đến công trường, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được giới thiệu ông chính là người đang điều khiến chiếc máy xúc Komatsu mở đường về Lũng Pèn. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng chính "Vua trúc" là người đứng ra vận động 5 hộ dân của xóm Nặm Cốc và 29 hộ dân của xóm Lũng Pèn đóng góp 120 triệu đồng để mở gần 2km đường giao thông nông thôn về Lũng Pèn, bản thân ông Lìn đóng góp 40 triệu đồng, ông cũng là người tự khảo sát, thiết kế và thi công toàn bộ tuyến đường, trong khi bản thân chưa từng học qua một lớp thiết kế, thi công cầu đường hay lớp lái máy xúc nào.
Trước đây, ông Lìn cũng như bao gia đình người Dao khác ở Huy Giáp cuộc sống rất khó khăn. Làm lụng quanh năm vất vả mà không đủ ăn. Từ khi cây trúc trở thành hàng hóa được Công ty cổ phần Chế biến trúc tre xuất khẩu thu mua thì cuộc sống của gia đình ông bắt đầu được cải thiện. Ban đầu, từ vườn trúc của gia đình, bình quân ông bán được 5 - 10 xe trúc/năm. Nhờ bán trúc, đến năm 2006 ông đã góp được 200 triệu đồng cùng HTX Vạn Lộc mua chiếc máy xúc Komatsu trị giá gần 400 triệu đồng. Với bản chất cần cù chịu khó, thấy cây trúc có thể giúp mình đổi đời, ông đã vận động vợ con, bà con dòng tộc tham gia trồng trúc. Đồng thời, khi bà con xung quanh có ý định bán vườn trúc, bao nhiều vốn liếng tích tụ được ông dồn hết vào mua lại. Nhờ đó đến nay ông đã sở hữu hơn 50 ha trúc hàng hóa. Cuộc sống của gia đình không còn khó khăn như trước nữa.
Ông Đặng Phù Lìn cho biết: Nhà tuy nhiều trúc nhưng do chưa có đường đến cửa rừng nên hiệu quả cũng chưa cao. Mỗi xe trúc bán lại của rừng được 4 triệu đồng. Vì chưa có đường nên phải thuê vận chuyển mất hơn 1 triệu đồng. Trước thực trạng đó ông đã vận động 5 hộ có trúc của xóm Nặm Cốc và 29 hộ của xóm Lũng Pèn (một xóm có nhiều trúc nhưng vì chưa có đường) đóng góp tiền của: hiến đất để thuê máy về mở đường.