Phát huy tối đa công năng hệ thống vườn hoa, công viên của Thủ đô Hà Nội

07/06/2023 9:21 AM

(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp, UBND TP. Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, của người dân, nhằm phát huy tối đa công năng hệ thống vườn hoa, công viên của Thủ đô Hà Nội.

Tạo không gian mở, thân thiện cho công viên và vườn hoa

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do Thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý. Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 6/9/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy tối đa công năng hệ thống vườn hoa, công viên của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Công viên Thống nhất được cải tạo, gỡ bỏ hàng rào và trồng thêm nhiều hoa. Ảnh: Thùy Chi

Để cải tạo đem đến diện mạo mới cho các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, trên cơ sở rà roát các công viên, vườn hoa hiện có, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025. Trong danh sách các công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp giai đoạn này thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm chiếm số lượng nhiều nhất, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp. Tiếp theo là quận Hoàng Mai (6), Hai Bà Trưng (5), Đống Đa (5)...

Theo Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện các quận đã ban hành kế hoạch và thực hiện các bước đầu tư xây dựng... Đến nay, Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã.

Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Sau hơn 5 tháng thực hiện cải tạo, nâng cấp, gỡ bỏ hàng rào, công viên Thống Nhất đã trở thành không gian cởi mở, thân thiện. Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Lượng người vào công viên nhiều hơn nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn. Công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.

Việc Hà Nội quyết định hạ hàng rào, dừng bán vé thu tiền người dân vào Công viên Thống Nhất là một trong những tín hiệu tích cực từ lời hứa làm "sống lại" các công viên trong năm 2023 của Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Sau công viên Thống Nhất, công viên Cầu Giấy cũng đã được gỡ bỏ rào, thu hút nhiều người dân đến đây nghỉ ngơi, tập thể dục, hẹn hò, chụp ảnh…

Những công viên vốn có không gian rộng, khi được chỉnh trang, phá bỏ hàng rào thì chắc chắn sẽ tạo ra những không gian vô cùng thoáng đãng và đẹp, góp phần làm cho bộ mặt đô thị của Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, giúp cho công viên thực sự trở lại đúng nghĩa là nơi công cộng phục vụ nhân dân.

Chị Nguyễn Kim Dung (quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc gỡ bỏ hàng rào khiến không gian rộng hơn, việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Từ khi mở rào chị Dung không phải đi đoạn đường xa để qua cổng để vào công viên, việc này giúp công viên thân thiện, gần gũi hơn với người dân, từ đó giúp người dân thay đổi ý thức, thể hiện trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp cho công viên. Theo chị Dung, nếu các công trình công cộng nói chung được thực hiện không gian mở trên pham vi rộng thì sẽ giúp phát huy tối đa công năng của hệ thống vườn hoa, công viên và các không gian công cộng.

Nhiều tín hiệu tích cực từ việc gỡ bỏ hàng rào công viên

Trước những tín hiệu tích cực sau khi một số công viên trên địa bàn Thủ đô thực hiện gỡ bỏ rào chắn, người dân bày tỏ mong muốn không chỉ gỡ bỏ hàng rào của các công viên mà tất cả những khuôn viên công cộng cũng cần tạo không gian mở, phục vụ nhu cầu chính đáng, lành mạnh, thiết yếu của nhân dân sau những giờ lao động, làm việc vất vả.

Ở cấp địa phương, thông tin về kế hoạch cải tạo vườn hoa, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong năm 2023 quận sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp các vườn hoa: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng và một số điểm vườn hoa nhỏ trong các khu dân cư. Trong các năm 2024-2025, quận tiếp tục cải tạo các vườn hoa: Vạn Xuân, Trúc Bạch, Giảng Võ...

Còn trên địa bàn thành phố nói chung, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong năm 2023 các quận sẽ cải tạo nhiều công viên, vườn hoa, như: Cổ Tân, Bác Cổ, 19-8, Tao Đàn (Hoàn Kiếm); Pasteur, Vườn hoa hồ Thiền Quang (Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (Tây Hồ); Ngọc Lâm (Long Biên); Công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (Hoàng Mai)...; đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai cải tạo các công viên, vườn hoa còn lại.

Phát huy tối đa công năng hệ thống vườn hoa, công viên của Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Công viên Cầu Giấy thu hút nhiều hơn người dân đến tập thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn. Ảnh: Thùy Chi

Với 3 công viên thuộc sự quản lý của thành phố là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo cũng nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất TP. Hà Nội triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.

Thực tế cho thấy, việc dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên Thống nhất đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đa số người dân ủng hộ và cho rằng không gian công viên thoáng đãng, thuận tiện hơn sau khi dỡ rào. Đại diện Công ty TNHH MTV công viên Thống Nhất cho biết, sau khi gỡ bỏ rào, công viên Thống Nhất ghi nhận việc gia tăng lượng khách từ 20 đến 30% so với trước đây, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Tuy nhiên, khi dỡ rào một phần công viên, công tác quản lý khá vất vả do tình trạng một số người dân thiếu ý thức điều khiển xe máy, xe đạp đi thẳng từ ngoài đường vào công viên.

Trước tình trạng này, công viên Thống Nhất đã phải phối hợp với công an 2 phường sở tại là Nguyễn Du và Lê Đại Hành, cùng Công an quận Hai Bà Trưng để tăng cường công tác quản lý trật tự khu vực công viên.

Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng bảo vệ, hệ thống chiếu sáng để bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tuyên truyền cho người dân cùng tham gia bảo đảm an ninh trật tự.

Theo các chuyên gia đô thị, việc giữ lại hàng rào cũng không ích gì trong khi việc phá bỏ rào hoàn toàn có thể dễ dàng quản lý được bằng cách có nhiều lối mở đi vào công viên như công viên ở các nước và thực tế ở khu vui chơi công cộng khác như hồ Gươm, hồ Tây… Nếu cần thiết, việc quản lý, bảo vệ khu vực xung quanh công viên có thể giao cho các phường, xã tiếp giáp, lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.

Tại quận Cầu Giấy, để khu vực vỉa hè không bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, bán hàng gây cản trở việc đi lại của người dân, bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh công viên, UBND quận đã kiểm tra, xử lý những trường hợp dừng đỗ phương tiện, bán hàng rong không đúng quy định. Hiện, lực lượng chức năng cũng rất chú trọng tới việc tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực này.

Ngoài ra, để tránh xảy ra tình trạng các bãi giữ xe tự phát trước cổng các công viên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý, kiểm tra chấn chỉnh việc này. Đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, khu vực công viên và vỉa hè là phạm vi quản lý của chính quyền phường và quận, cùng với đó các đơn vị quản lý công viên cũng phải có trách nhiệm khi không gian công cộng phục vụ công viên như cổng ra vào, vỉa hè bị lấn chiếm để đỗ xe, gây khó khăn cho người dân ra vào, đơn vị phải thông báo cho chính quyền địa phương nắm bắt, xử lý.

Bên cạnh lực lượng an ninh, cũng cần tăng cường các biển bảng chỉ dẫn, biển tuyên truyền quy định pháp luật, các chế tài xử phạt cũng cần được lắp đặt ở nhiều vị trí, việc có hệ thống camera theo dõi chắc chắn cũng sẽ có tác động nhất định đến ý thức người dân.

Các công viên "sống lại" nghĩa là những lá phổi của TP. Hà Nội nói chung và mỗi người dân nói riêng sẽ được hít thở nhiều không khí trong lành hơn, sẽ được hưởng thụ các không gian tiện ích công cộng tốt hơn. Chủ trương cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa thể hiện nỗ lực của UBND thành phố Hà Nội trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng không gian xanh cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả, mỗi người dân cần thực sự là những công dân văn minh, chấp hành tốt các quy định khi tham gia các hoạt động tại công viên, vườn hoa…

Thùy Chi

Top