Thời tiết nóng bức, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát trong các hộ gia đình ngày càng cao. Sau đây là những mẹo tiết kiệm điện tốt nhất trong mùa hè giúp giảm bớt gánh nặng hóa đơn tiền điện.
1.Tăng cường cây xanh trong nhà
Tăng cường cây xanh được coi là cách tiết kiệm điện tự nhiên mà cũng không tốn quá nhiều chi phí, vì vậy bạn nên tận dụng tối đa ưu điểm này để bố trí các chậu cây xung quanh nhà vào mùa nắng nóng.
Ở gần cửa sổ hướng đón nắng, bạn có thể trồng cây như một bức màn chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng.
Giữa thời tiết nóng bức, nhiệt độ từ 38-40 độ C, những chậu cây xanh mướt chính là "liều thuốc giải nhiệt" cho không khí cũng như tinh thần của bạn, đồng thời cũng tạo nên không gian xanh làm dịu bớt đi tác động của ánh nắng gay gắt chiếu vào nhà.
2. Sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng
Khi thời tiết quá nắng, việc kéo rèm vào sẽ giúp không khí trong nhà mát mẻ, thoáng đãng hơn. Thay vì các loại rèm mỏng, vẫn rọi được ánh sáng vào nhà, bạn nên cân nhắc chọn mua loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%.
Một điểm đáng chú ý là rèm nên treo gần cửa, bao lấy toàn bộ cửa sổ và có chiều dài chạm sàn nhà.
3. Dùng cửa sổ để đón không khí mát vào ban đêm
Đêm xuống, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể so với nhiệt độ ban ngày. Vì vậy, thay vì sử dụng điều hòa suốt đêm, mở cửa sổ trong lúc ngủ sẽ tận dụng được luồng khí mát từ gió trời và điều hòa không khí trong nhà của bạn.
Biện pháp này không chỉ giúp nhà bạn được thông thoáng sau cả ngày đóng cửa, kéo rèm mà còn là một trong những cách tiết kiệm tiền điện tốt nhất.
4. Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm
Trong khoảng thời gian cao điểm từ 9h30-11h30 sáng và 17h-20h tối, các hộ gia đình chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận.
5. Sử dụng tủ lạnh đúng cách là một cách tiết kiệm điện
Đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh.
Đặc biệt hạn chế mở tủ lạnh vào những ngày này vì mỗi lần mở, tủ lạnh lại gặp một luồng khí nóng khiến chúng phải cân bằng lại nhiệt độ đã thiết lập. Điều này gây tốn nhiều điện năng hơn.
6. Thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị làm mát
Muốn giảm bớt tiền điện, các hộ gia đình nên có trách nhiệm trong việc sử dụng điện trong nhà và cách tiết kiệm điện. Điều này yêu cầu bạn phải có kế hoạch sử dụng các thiết bị làm mát một cách hợp lý như
- Điều hòa: Cứ 10 độ C bạn có thể tiết kiệm được 25% điện năng, vì vậy nên để điều hòa ở mức nhiệt trên 25 độ C đối với ban ngày, tắt điều hòa vào ban đêm và mở cửa đón khí trời. Đây là một trong những cách tiết kiệm điện cho máy lạnh.
- Quạt: Rút phích cắm điều khiển từ xa và tắt quạt sau khi sử dụng.
7. Lau sạch định kỳ thiết bị điện
Làm sạch các thiết bị, lau hết bụi bẩn giúp các thiết bị điện tăng gấp đôi công năng của nó khiến đèn sáng hơn, quạt thổi mạnh hơn. Cách tiết kiệm điện này khiến bạn có thể giảm bớt số lượng đèn điện, quạt gió hoạt động trong nhà mà vẫn đáp ứng được hiệu quả làm mát và soi sáng.
8. Để ý đến chỉ số đánh giá EER – chỉ số hiệu suất năng lượng
Trước khi sắm sửa một thiết bị điện, bạn cần tìm hiểu các chỉ số đánh giá hiệu suất năng lượng EER để có thể chọn mua thiết bị tiết kiệm điện tốt nhất.
Chỉ số này càng cao thì hiệu suất năng lượng ước tính sử dụng càng tăng. Vì vậy bạn nên mua các thiết bị mới với phần ghi chú có chữ " Energy guide"
9. Lắp bóng đèn tiết kiệm điện giữa hai phòng
Thay vì mỗi phòng lắp một thiết bị chiếu sáng, việc dùng chung một bóng sẽ tiết kiệm tối đa lượng điện mà bạn sử dụng. Đối với các thiết bị điện dùng trong gia đình, bạn nên chọn loại bóng đèn led, không nên dùng đèn sợi đốt vừa gây nóng bức vừa tốn điện năng
10. Rút nguồn điện khi không sử dụng
Có một sự thật rằng, các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, loa đài,… ngay cả khi đã tắt đều có thể tốn điện năng. Tuy điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, số tiền bạn phải bỏ ra cũng nhiều đáng kể. Vì vậy nên lưu ý rút nguồn các thiết bị khi không sử dụng.
Toàn Thắng (tổng hợp)