In bài viết

10 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp toàn diện của Bộ, ngành Nội vụ năm 2025

(Chinhphu.vn) - Sáng 21/12, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025, Bộ Nội vụ xác định rõ các giải pháp trọng tâm và giải pháp toàn diện để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra với toàn ngành.

21/12/2024 11:10
10 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp toàn diện của Bộ, ngành Nội vụ năm 2025- Ảnh 1.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành Nội vụ là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ bảo đảm chủ động, thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch, làm tốt công tác tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức - Ảnh: VGP/LS

10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Thứ nhất, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ bảo đảm chủ động, thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch và làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ sau khi hợp nhất yên tâm công tác, chấp hành và phát huy giá trị văn hoá cốt lõi của 2 Bộ trước khi hợp nhất để cùng nhau thi đua đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Thứ hai, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. 

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm; đồng thời tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC bảo đảm đủ phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương. Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ đối với các ĐVSNCL của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.

Thứ ba, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ CBCCVC đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC sau sắp xếp, tổ chức bộ máy. 

Trước mắt, tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền thông qua Luật sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức; tập trung xây dựng, thẩm định trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Thứ tư, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương có Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được UBTVQH thông qua khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí CBCCVC, xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng các cấp năm 2025; đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Thứ năm, tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện tiêu chí đánh giá CBCCVC dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ dịch vụ công cơ bản, thiết yếu. Triển khai chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong khu vực công; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ sáu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng các văn kiện và điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp của toàn ngành trong năm 2025. Đặc biệt là các cơ quan, đơn vị hình thành sau sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thứ bảy, triển khai tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025 và thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước; thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, nhất là các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động, tạo không khi phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất, huy động mọi nguồn lực của xã hội đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thứ tám, triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2025) về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Thứ chín, thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách công vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các ngành kinh tế.

Toàn ngành thực hiện chuyển đổi số, đồng bộ, hiệu quả, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC để đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CBCCVC; đồng thời tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành Nội vụ; tiếp tục triển khai công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trên các nền tảng đào tạo trực tuyến đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ mười, quan tâm, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư - lưu trữ; công tác thanh niên; hội, quỹ; công tác thanh tra, pháp chế; hợp tác quốc tế. 

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo đào, bồi dưỡng nguồn lực phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước của ngành; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để các cấp, các ngành và người dân đồng thuận, chia sẻ và ủng hộ Bộ và ngành trong công cuộc đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả nền hành chính nhà nước.

6 giải pháp toàn diện

Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Nội vụ năm 2025, Bộ Nội vụ đã đề ra một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, để bảo đảm đầy đủ, đồng bộ các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ và các lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Hai là, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, ĐVSNCL bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ; đề xuất giải quyết các vấn đề còn giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương với phương châm"địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bốn là, xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ; rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của VTVL; tham mưu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCCVC; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, chú trọng bồi dưỡng về trình độ, năng lực, đạo đức công vụ; có cơ chế tạo động lực để khuyến khích CBCCVC tận tâm, tận tụy và phát huy được năng lực, sở trường của mình phục vụ cho công việc chung.

Năm là, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và ĐVHC, kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ cho các bộ, ngành, địa phương.

Sáu là, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; đề cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu và phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI vào năm 2025.

Lê Sơn