Theo đó, phát huy kết quả đạt được năm 2022, năm 2023, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả" nhằm tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành Nội vụ. Trong đó, tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một là, tập trung nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng văn bản, nhất là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh. Khắc phục kịp thời hạn chế trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, tập trung rà soát, đôn đốc, thực hiện quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông rào cản phát triển, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ các địa phương gắn kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập các bộ, ngành, địa phương.
Thứ năm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025. Phấn đấu hoàn thành trong 2 năm 2023, 2024 để ổn định tổ chức đại hội Đảng các cấp vào năm 2025; đồng thời đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị gắn nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa theo chủ trương của Đảng và phù hợp với quy hoạch vùng, địa phương.
Thứ sáu, tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính theo Nghị quyết 76 của Chính phủ. Quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính các bộ, ngành, địa phương.
Thứ bảy, củng cố ổn định tổ chức bộ máy và phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống tổ chức thi đua khen thưởng từ Trung ương, bộ, ngành, địa phương; tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị của các địa phương.
Thứ tám, quan tâm, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước trên một số mặt công tác khác của ngành như: tôn giáo, tín ngưỡng; thanh tra, pháp chế; hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; công tác văn thư – lưu trữ, công tác thanh niên; công tác nghiên cứu khoa học.
Thứ chín, tăng cường công tác đối ngoại trên mọi lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Đề án đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đặc biệt tham gia tích cực các hoạt động hợp tác công vụ các nước khối ASEAN và ASEAN+3.
Thứ 10, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu quản trị trên môi trường mạng.
Lê Sơn