Chỉ tiêu 1: "Nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá rủi rủi ro, đảm bảo giảm 5% tỉ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỉ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023".
Trong chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu chủ yếu dự kiến: Tỉ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%, tỉ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hoá không quá 4,5%.
Để đạt được các chỉ tiêu 1, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát lại các văn bản chỉ đạo của Tổng cục về tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm danh mục quản lý rủi ro trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, chuyển đổi cơ bản hồ sơ hải quan sang chứng từ điện tử (không yêu cầu nộp bản giấy); giảm tỉ lệ các lô hàng phải lấy mẫu phân tích giám định; nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan,…
Chỉ tiêu 2: "Giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng (liên quan đến thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan)".
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan, thì công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 2 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan và hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan.
Do đó, để có thể rút ngắn tổng thời gian thông quan/giải phóng hàng, thì trách nhiệm liên quan không chỉ cơ quan hải quan, mà còn các bên liên quan khác như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan quản lý kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi… Các chỉ tiêu đưa ra đều hướng tới mục đích chung cuối cùng là giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông quan việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Việc giảm thời gian thông quan hàng hóa là việc hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; nếu các chỉ tiêu ban hành tại quyết định này đều hoàn thành thì thời gian thông quan, giải phóng hàng sẽ phần nào có thể cắt giảm hơn nữa. Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện chỉ tiêu này trong năm 2023 trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cục hải quan các tỉnh, thành phố về thời gian thông quan, giải phóng hàng năm 2022.
Chỉ tiêu 3: "Giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, giám định".
Chỉ tiêu 4: "Cắt giảm chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, cơ bản chuyển đổi sang chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử: 100% chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp điện tử; nghiêm cấm công chức hải quan yêu cầu người khai nộp các chứng từ ngoài quy định; phối hợp với các bộ, ngành đưa 50% thủ tục hành chính còn lại thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia".
Chỉ tiêu 5: "Tăng số cuộc thực hiện tham vấn giá theo hình thức gián tiếp của doanh nghiệp hạng 1 đến 4".
Chỉ tiêu 6: "Giảm 25% tỷ lệ số cuộc kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch tuân thủ pháp luật của người khai hải quan".
Để triển khai chỉ tiêu 6, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã phê duyệt danh sách 144 doanh nghiệp kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế năm – giảm 25,7% so với năm 2022 (194 doanh nghiệp).
Chỉ tiêu 7: "Tăng 10% số lượng tờ khai hải quan làm thủ tục thông qua đại lý hải quan".
Việc quan tâm phát triển đại lý làm thủ tục hải quan sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động dịch vụ logistics phát triển, giúp việc thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hóa, rút ngắn thời gian thông quan, giảm phát sinh các trường hợp vi phạm do không có điều kiện nghiên cứu đầy đủ pháp luật về hải quan và chính sách quản lý hàng hóa.
Để đạt chỉ tiêu 7, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích chủ hàng, người dân, doanh nghiệp sử dụng đại lý hải quan khi phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao vai trò của đại lý trên phương diện là cầu nối giữa cơ quan hải quan và người xuất khẩu, nhập khẩu; đồng thời giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân hoạt động tự do, tự phát với đại lý hải quan; hỗ trợ tối đa hoạt động của các đại lý khi thực hiện thủ tục hải quan thông qua các tổ giải quyết vướng mắc, tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin qua lại giữa cơ quan hải quan và đại lý hải quan…
Chỉ tiêu 8: "Tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022 để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật".
Để triển khai chỉ tiêu số 8, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành việc giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại cấp chi cục trong thời gian 2 giờ làm việc; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố. Hải quan phấn đấu giảm 50% số vụ khiếu nại các quyết định hành chính sai của cơ quan hải quan, công chức hải quan.
Chỉ tiêu 9: "Nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN".
Chỉ tiêu 10: "Thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám sát, quản lý hải quan trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, gồm: Thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thủ tục liên quan đến hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan; thủ tục công nhận, mở rộng, thu hẹp, chấm dứt hoạt động của các địa điểm làm thủ tục hải quan (kho, bãi, địa điểm)".
Việc Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 góp phần triển khai tích cực Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Huy Thắng