In bài viết

10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật trong năm 2007

(Website Chính phủ) – Chiều 24/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã công bố 10 sự kiện nổi bật và 5 tồn tại của ngành trong năm 2007.

24/12/2007 17:30

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Thái công bố 10 sự kiện nổi bật và 5 tồn tại của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2007. Ảnh: Website Chính phủ

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành trong năm 2007 gồm:

1. Bộ VHTTDL được thành lập theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội khóa XII.

Đây là một trong những biểu hiện cụ thể và mạnh mẽ của tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia, mở ra quá trình phát triển mới của ngành VHTTDL trong điều kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.

2. Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ I - 2007 tại Thủ đô Hà Nội.

3. Các hoạt động văn hóa tham dự Lễ hội Smithsonian 2007 tại Hoa Kỳ với chủ đề "Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa", Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào, Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc... giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

4. Ngày hội văn hóa người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X tại Yên Bái, Ngày hội văn hóa dân tộc mường tại Hòa Bình, Liên hoan Hát Then - Đàn Tính toàn quốc lần thứ 2 tại Cao Bằng... được tổ chức thành công, góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc Tây Bắc lần thứ X tại Yên Bái

5. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV tại Nam Định được tổ chức thành công, với nhiều phim do các hãng phim tư nhân sản xuất tham gia.

6. Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 3 tại SEA Games 24 và lần thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 3 nước đứng đầu Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Đội vận động viên bắn súng của Việt Nam khởi đầu cho những chiến thắng vang dội của thể thao Việt Nam tại SEA Games 24 - Ảnh vtc.vn

7. Vận động viên điền kinh Trương Thanh Hằng đoạt huy chương vàng Châu Á cự ly 800m; 3 vận động viên Taekwondo Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu vượt qua vòng loại giành suất tham dự Olympic Bắc Kinh năm 2008.

8. Ngành Du lịch đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, vươn lên đứng thứ 5 trong khu vực về thu hút khách du lịch quốc tế.

Với việc đón 4,2 triệu khách, ngành Du lịch đã hoàn thành kế hoạch năm, đón từ 4 đến 4,6 triệu lượt khách quốc tế và tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 56.000 tỷ đồng, là cơ sở cho việc hoàn thành mục tiêu chiến lược của ngành (đón 6-6,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2010), từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

9. Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam được quảng bá chính thức trên kênh truyền hình quốc tế CNN.

10. Năm du lịch quốc gia 2007 tại Thái Nguyên với chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc" và Festival Hoa Đà Lạt 2007.

Năm 2007-Năm du lịch Thái Nguyên với chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc" - Ảnh vnu.edu.vn

Bộ VHTTDL cũng nhận định 5 tồn tại của ngành:

1. Việc vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh, mất cắp cổ vật vẫn xảy ra ở một số địa phương.

2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường còn biểu hiện tiêu cực với những thủ đoạn tinh vi, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

3. Đội tuyển bóng đá nam thi đấu không thành công tại SEA Games 24 - Thái Lan, gây thất vọng cho người hâm mộ bóng đá cả nước.

4. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thể thao chưa được khắc phục có hiệu quả, bạo lực trong thể thao có chiều hướng gia tăng, một số trọng tài bóng đá bị đưa ra xét xử vì dính líu đến tiêu cực...

5. Sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao, tình trạng thiếu buồng khách sạn chất lượng cao, người bán hàng rong đeo bám khách tại một số khu, điểm du lịch chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Kiều Liên