Hơn 10 năm trước, năm 2013, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định rõ định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo – trong đó "tự chủ đại học" là một quyết định quan trọng, mang tính đột phá mang tính thời đại.
Năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Từ đây, khái niệm "tự chủ đại học" chính thức bước vào giai đoạn mới, triển khai các chủ trương trên thực tế.
Suốt hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã nói rất nhiều về tự chủ – như một xu hướng tất yếu, một yêu cầu phát triển, thậm chí là một giải pháp để giáo dục đại học Việt Nam bắt nhịp với thế giới. Nhưng đến nay, phần lớn các trường vẫn loay hoay trên thực tế, có quá nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là được trao một phần quyền, nhưng vẫn ràng buộc nhiều mặt.
Vậy chúng ta đang tự chủ thực chất hay vẫn chỉ là hình thức? Đang tháo gỡ tư duy "xin – cho" hay chỉ thay vỏ, giữ nguyên cách vận hành cũ?
Để làm rõ những câu hỏi này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?" nhằm soi chiếu từ chính những mô hình đã dấn thân đi trước, để nhận diện rõ hơn những gì vẫn còn chậm chuyển động, những thuận lợi, khó khăn, những cơ hội để phát triển hệ thống đại học.
Tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời:
Trung tướng GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an
PGS.TS. Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội
PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.