In bài viết

2 năm triển khai Luật thi hành án dân sự: vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết

Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác thi hành án dân sự cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết.

07/12/2011 09:00
Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Luật thi hành án dân sự do UBND tỉnh tổ chức. Thi hành án dân sự là hoạt động khó khăn, phức tạp nên dễ xảy ra sai sót và khó khắc phục. Nếu như trong quá trình xét xử, quyền và nghĩa vụ của các đương sự mới chỉ thể hiện trên giấy tại các văn bản, quyết định của Tòa, thì hoạt động thi hành án lại tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự tham gia vào các vụ án dân sự nên mức độ phản ứng của họ càng trở nên gay gắt, quyết liệt hơn. Trong khi đó, Luật thi hành án dân sự quy định việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án từ các cơ quan thi hành án sang cho người được thi hành án. Tuy nhiên, tại điểm đ, Khoản 1 Điều 31 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án phải cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình trực tiếp xác minh tài sản. Khi xác minh không được mới yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định nào về việc thu phí xác minh bao nhiêu, thu theo các vụ việc hay theo tính chất của việc cần xác minh khó hay dễ, xác minh ở cơ quan nhà nước hay tư nhân…trong trường hợp này có thể nảy sinh các tiêu cực trong quá trình xác minh. Trong khi đó, theo các cơ quan thi hành án của tỉnh, một khó khăn lớn thường gặp trong quá trình thi hành án, đó là công tác cưỡng chế. Theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì các biện pháp cưỡng chế được qui định tại Điều 71, gồm có 6 biện pháp cưỡng chế, trong đó biện pháp cưỡng chế thi hành án mà các cơ quan thi hành án thường xuyên phải thực hiện đó là “kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ". Đối với biện pháp cưỡng chế này, cơ quan thi hành án phải bỏ ra rất nhiều công sức đối với tài sản phải cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, thẩm định giá…Trước khi tiến hành kê biên cơ quan thi hành án phải xác định tình trạng nhà, đất, tình trạng quy hoạch, tài sản có thế chấp hay không và phải đo vẽ lại hiện trạng nếu xét thấy cần thiết. Trong quá trình thực hiện, các đương sự phần lớn là chống đối bằng nhiều biện pháp như đe dọa, khóa cửa bỏ đi…làm cho hội đồng đo đạc không dám thực hiện các nhiệm vụ của mình. Khi đó, để thực hiện cơ quan thi hành án phải huy động nhiều thành phần tham gia, kể cả lực lượng cảnh sát tư pháp bổ trợ nên mất rất nhiều công sức, kinh phí. Chủ tịch UBND Đinh Quốc Thái tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong 2 năm triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, đối với biện pháp cưỡng chế “buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định”. Đối với trường hợp này, phần lớn người phải thi hành đều không chấp hành hoặc không thể làm được, do vậy cơ quan thi hành án sau khi làm hết các thủ tục theo quy định của pháp luật và cuối cùng là chuyển đến các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành. Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an hay Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thì việc xử lý hầu như không có hiệu quả, không có tác dụng răn đe. Ngoài ra, các biện pháp cững chế khác như: “khai thác tài sản của người phải thi hành án” hay biện pháp “buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ”…còn khá mới mẻ nên gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan thi hành án. Rõ ràng, từ khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 ra đời và có hiệu lực đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để Luật thi hành án dân sự thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đòi hỏi cần tiếp tục có các văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Bá Thông