Cầu truyền hình diễn ra tại 5 điểm cầu, trong đó sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP. Kon Tum, Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Quận 1, TPHCM).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự tại đầu cầu TP.HCM.
Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Tham dự tại đầu cầu Kon Tum có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang.
Tham dự tại đầu cầu Điện Biên có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tham dự tại đầu cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” là chương trình quy mô lớn, với ê kip thực hiện khoảng 500 người và sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trực tiếp biểu diễn tại 5 điểm cầu.
Các nội dung tại 5 điểm cầu sẽ ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.
Với thời lượng 120 phút, cầu truyền hình sẽ đưa khán giả quay lại những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Tại chương trình, khán giả sẽ gặp gỡ và giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm, và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian như Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Nam Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Đường lên Tây Bắc, Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Huy Thục), Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)...
Nhân dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tặng Kỷ niệm chương cho các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.