In bài viết

250.000 tỷ đồng đầu tư công và gói hỗ trợ an sinh: Kênh tăng trưởng quan trọng

(Chinhphu.vn) – Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu từ nay đến cuối năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 250.000 tỷ đồng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm.

03/10/2021 08:45

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: “Thẻ xanh COVID” là “chìa khóa” mở nút thắt lớn để phục hồi và tăng trưởng kinh tế - Ảnh VGP

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hương đã đưa ra các nhận định về tình hình quý IV/2021, các động lực cho tăng trưởng và ‘chìa khóa’ cho phục hồi kinh tế.

Tín hiệu lạc quan

Mới đây, tại cuộc Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, bà đã dự báo triển vọng 3 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt hơn. Xin bà phân tích về động lực cho tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm? Những ngành nào cần vực dậy mạnh mẽ hơn, hay ngành nào còn nhiều dư địa tăng trưởng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội do phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2021 giảm 6,17%, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố chỉ số GDP theo quý đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2021 GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Sang quý IV/2021, theo tôi, triển vọng tăng trưởng sẽ phục hồi và tốt hơn quý III. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 lạc quan hơn nhiều so với quý III/2021. Tôi có thể giải thích vấn đề này qua một số nguyên nhân.

Trước tiên, số ca mắc COVID-19 mới đang giảm dần, chiến lược tiêm vaccine toàn diện được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở những tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp, tỷ lệ tiêm chủng toàn dân ngày càng cao. Nhiều địa phương đã có động thái nới lỏng giãn cách, dần đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Thêm vào đó, giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 sẽ kích cầu tiêu dùng từ khu vực dân cư; giải ngân đầu tư công 250 nghìn tỷ đồng sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng, từ đó lan tỏa tích cực đến các ngành khác, kích thích kinh tế tăng trưởng.

Nguyên nhân tiếp theo, kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch, các nước dần trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu của người dân sẽ tăng cao sau thời gian dài thực hiện phong tỏa xã hội. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên đây là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong công nghiệp chế biến chế tạo như giầy da, quần áo, thủy hải sản chế biến, đồ gỗ… để góp phần phục hồi nền kinh tế.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại quý III/2021, một số ngành dịch vụ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; bán buôn, bán lẻ… Do đó, khi gỡ bỏ giãn cách xã hội, các ngành này sẽ phục hồi và bứt phá mạnh, có khả năng tăng cao. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng còn dư địa để tăng trưởng cao hơn do nhu cầu trong nước và ngoài nước tăng lên sau khi dịch được kiểm soát.

Như vậy, tôi cho rằng, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm có nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, mức độ phục hồi phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng dịch COVID-19; hiệu quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vươn lên của chính doanh nghiệp để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Một kênh tăng trưởng quan trọng

Bà vừa đề cập đến việc giải ngân các gói hỗ trợ an sinh và nguồn vốn đầu tư công 250 nghìn tỷ đồng sẽ giúp kích thích kinh tế tăng trưởng. Vậy cụ thể như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Nguồn vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ là động lực tác động tích cực đến tiêu dùng và đầu tư. Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tới việc gia tăng tiêu dùng của dân cư, kích thích vào tổng cầu đang yếu, khi đó phía cung sẽ được thúc đẩy, tăng sản lượng sản xuất. Mặt khác, một phần gói hỗ trợ này cũng được chi cho người sử dụng lao động để giải quyết những khó khăn trước mắt, chuẩn bị điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo nghiên cứu của chúng tôi, khi vốn đầu tư công tăng lên 1 điểm phần trăm sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Do vậy, dư địa để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong quý IV/2021 chính là thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu từ nay đến cuối năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư công gần 250.000 tỷ đồng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,53 điểm phần trăm. Tuy nhiên, thực tế qua các năm, tỷ lệ thực hiện của nguồn vốn này so với số kế hoạch được giao đang có xu hướng giảm dần so với năm trước, vì thế, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để có thể thực hiện giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công năm nay.

Bên cạnh những triển vọng, sắp tới chúng ta sẽ phải đối diện nguy cơ, thách thức nào, thưa Tổng cục trưởng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Ngoài những triển vọng như đã nêu ở trên, theo tôi, những tháng cuối năm, chúng ta sẽ phải đối diện với một số nguy cơ, thách thức.

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới do chiến lược tiêm vaccine chưa đồng đều và rộng khắp. Trong nước, tại một số địa phương phía Nam, số ca mắc và tử vong giảm sâu, dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát nhưng nguy cơ phát sinh ổ dịch mới sẽ tăng nếu chủ quan, thả lỏng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến thành quả đã đạt được từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, khả năng tự cường của khối doanh nghiệp cũng là một thách thức trong bối cảnh hiện nay. Dịch bệnh đã bào mòn khả năng chống chịu của khối doanh nghiệp khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Mở cửa trở lại, doanh nghiệp phải mất một thời gian để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh như trước khi có dịch bệnh. Việc khôi phục sản xuất nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào nội lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, lao động nghỉ việc, về quê tránh dịch sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là những ngành đòi hỏi người lao động có trình độ nghề nhất định (may mặc, giày da,…).

Một vấn đề nữa cần hết sức lưu tâm là thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất. Đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào, vận tải hàng hóa trên thế giới chậm do thiếu hụt container, cắt giảm sản lượng do đại dịch đang bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Á là những nguy cơ đe dọa đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Trên phương diện khác, thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân có thể thay đổi theo hướng tăng tiết kiệm để đề phòng rủi ro. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, người dân sẽ dành cho tiết kiệm nhiều hơn, từ đó tiêu dùng của dân cư có thể bị giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

‘Chìa khóa’ cho phục hồi kinh tế

Vậy giải pháp chủ yếu nào để mở các “nút thắt” lớn, vực dậy đà tăng trưởng năm 2021?

Bà Nguyễn Thị Hương: Nền kinh tế đang có “nút thắt” lớn do ách tắc trong khâu lưu thông, khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. “Nút thắt” này cần phải từng bước gỡ bỏ, từ đó nền kinh tế có thể vực dậy sau đại dịch. Để khôi phục, đưa nền kinh tế thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ  nhất, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, từng bước gỡ bỏ giãn cách xã hội. Các thị trường trong nước cần sớm được mở cửa trở lại để lưu thông hàng hóa thông suốt, tạo tiền đề cho khôi phục kinh tế.

Thứ hai, cùng với ngoại giao vaccine, chúng ta cần chủ động nguồn vaccine bằng cách nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy bao phủ rộng tiêm chủng vaccine.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện Khung Y tế phòng chống dịch để sống chung an toàn với dịch COVID-19, thực hiện thống nhất trong công tác kiểm soát dịch tại các địa phương. Triển khai áp dụng ‘thẻ xanh COVID-19’ cho những cá nhân đã tiêm đủ liều vaccine hoặc những F0 đã khỏi bệnh để hoạt động sản xuất được diễn ra bình thường trong điều kiện an toàn.

Thứ tư, tạo sự thông suốt, tăng cường kết nối hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa qua các chính sách tài chính, an sinh xã hội… của Chính phủ nhằm tạo lực đẩy kích thích tiêu dùng của dân cư, khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, tăng cường sản xuất và xuất khẩu, góp phần phục hồi kinh tế.

Tóm lại, theo quan điểm của tôi, vaccine là điều kiện tiên quyết, “thẻ xanh COVID” là “chìa khóa” mở “nút thắt” lớn để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và từng bước mở cửa nền kinh tế cần được nhanh chóng triển khai để đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV/2021.

Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Ngọc