Ảnh: VGP/Lê Anh |
Theo Sở KH&ĐT TPHCM, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Thành phố giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 1.829.385 tỷ đồng. Trong đó, hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập, cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị và các lĩnh vực khác thuộc 7 chương trình hành động của Thành phố là khoảng 850.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46%. Tuy nhiên, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, khả năng cân đối ngân sách Thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư nêu trên.
Sở KH&ĐT cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay có 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. Thành phố đang tiếp tục triển khai 130 dự án khác với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến hết ngày 31/7, TPHCM có 7.065 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 42 tỷ USD.
Theo ông Sử Ngọc Anh, do ngân sách hạn hẹp, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, vì vậy việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế TPHCM.
Nhiều dự án đầu tư đang triển khai tại Quận 2 của TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh |
PPP là một xu thế tất yếu
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho rằng, trong tình hình vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức PPP là một xu thế tất yếu.
Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả, nhưng hiện nay hình thức PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện: Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về PPP hiện chỉ dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ, nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…), tính ổn định của chính sách không cao… là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế.
Chia sẻ về việc thu hút nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, lãnh đạo Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho rằng, PPP là mô hình có thể tạo đột phá cho việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng, nhưng trên thực tế việc triển khai các dự án theo mô hình này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Để huy động nguồn lực tài chính quy mô đủ lớn tài trợ cho các dự án PPP và các dự án trọng điểm khác của TPHCM, HFIC đang xây dựng đề án huy động các nguồn lực trong dân, cũng như nguồn kiều hối từ nước ngoài. HFIC nghiên cứu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình… theo cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả, từ đó giảm áp lực nợ công cho ngân sách Thành phố.
Bên cạnh đó, dự kiến trong thời gian tới TPHCM sẽ chuyển giao các nguồn lực Nhà nước về HFIC quản lý. Cơ chế này sẽ giúp cho các nguồn lực Nhà nước được bảo toàn và sử dụng có hiệu quả trong quá trình đầu tư, phát triển của Thành phố.
Hiện nay, Sở KH&ĐT TPHCM cơ bản đã hoàn tất việc xây dựng chuyên trang thông tin PPP, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối quý III/2017 trên website bao gồm các nội dung giới thiệu về đầu tư theo hình thức PPP như: Các pháp lý đầu tư liên quan, danh mục cập nhật các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn Thành phố, tin tức về tình hình thực hiện các dự án theo hình thức PPP, các hoạt động xúc tiến đầu tư liên quan và các mô hình dự án theo hình thức PPP của quốc tế.
Lê Anh