In bài viết

3 hình thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản

(Chinhphu.vn) - Bộ Nông nghiệp và Môi trương đã ban hành Thông tư 26/2025/TT-BNNMT quy định về quản lý lâm sản; xử lý lâm sản, thủy sản là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

07/07/2025 16:56
3 hình thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản- Ảnh 1.

Có 3 hình thức kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Trong đó, Thông tư quy định rõ về kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Đối tượng kiểm tra là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, mua bán, chuyển quyền sở hữu lâm sản, xuất khẩu, nhập khẩu, cất giữ lâm sản, nuôi động vật rừng, trồng thực vật rừng và đánh dấu mẫu vật.

Hoạt động kiểm tra của cơ quan Kiểm lâm do Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra (sau đây gọi viết là Tổ kiểm tra) thực hiện khi có quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất.

3 hình thức kiểm tra

Về hình thức kiểm tra, Thông tư 26/2025/TT-BNNMT nêu rõ, có 3 hình thức kiểm tra: Kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất.

Kiểm tra theo kế hoạch

Trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm sau. Trường hợp có ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc có nội dung cần quản lý phát sinh ngoài kế hoạch kiểm tra hằng năm thì điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

Căn cứ kế hoạch kiểm tra được duyệt, cơ quan Kiểm lâm thông báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trước ngày 31 tháng 12 hằng năm hoặc sau khi phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kiểm tra.

Kiểm tra theo chuyên đề: Căn cứ tình hình quản lý lâm sản trên địa bàn cần phải kiểm tra ngăn chặn và xử lý, thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề.

Kiểm tra đột xuất, áp dụng khi có một trong các căn cứ sau: a- Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng; b- Thông tin từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; c- Thông tin từ đơn đề nghị xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân; d- Thông tin từ phát hiện hoặc trường hợp phát hiện vi phạm quả tang của công chức Kiểm lâm quản lý địa bàn hoặc công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ theo dõi, phát hiện vi phạm; đ- Văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; e- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thông tư 26/2025/TT-BNNMT quy định: Công chức Kiểm lâm thu thập, tiếp nhận thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm trực tiếp để xử lý thông tin.

Căn cứ thông tin quy định trên, thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm xử lý thông tin, chỉ đạo kiểm tra, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; chỉ đạo việc lập sổ theo dõi thông tin và tổ chức quản lý theo chế độ quản lý tài liệu mật.

Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của Kiểm lâm

Thông tư 26/2025/TT-BNNMT quy định rõ thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra của Kiểm lâm:

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ban hành quyết định kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

Người có thẩm quyền quy định trên có thể ủy quyền cho cấp phó ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thực hiện kiểm tra

Thông tư quy định cụ thể công tác thực hiện kiểm tra gồm: Công bố và giao quyết định kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra; thông báo về thành phần Tổ kiểm tra và người chứng kiến (nếu có). Trường hợp kiểm tra đột xuất không có quyết định kiểm tra thì người đại diện của Tổ kiểm tra phải giới thiệu về thành phần tham gia và lý do kiểm tra.

Yêu cầu đối tượng được kiểm tra hoặc người đại diện của đối tượng được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Tổ kiểm tra. Trường hợp những người này không có mặt tại nơi kiểm tra thì Tổ kiểm tra mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an nơi kiểm tra, người chứng kiến để công bố quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định.

Tổ chức kiểm tra theo đúng nội dung quyết định kiểm tra đã công bố. Trường hợp có nội dung phát sinh trong quá trình kiểm tra vượt quá thẩm quyền, Tổ kiểm tra phải báo cáo ngay với người ban hành quyết định kiểm tra để kịp thời xử lý.

Kiểm tra vận chuyển lâm sản: Tổ kiểm tra chỉ được dừng phương tiện giao thông đang lưu thông để kiểm tra lâm sản khi có căn cứ. Hiệu lệnh dừng phương tiện có thể sử dụng một loại hoặc sử dụng kết hợp còi, cờ hiệu Kiểm lâm, đèn pin.

Kiểm tra lâm sản nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh tại cửa khẩu: cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu tổ chức kiểm tra lâm sản. 

Đối tượng được kiểm tra phải chấp hành các yêu cầu kiểm tra của Tổ kiểm tra; xuất trình ngay hồ sơ lâm sản theo quy định và các tài liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Minh Hiển