In bài viết

4 kiến nghị của TPHCM để phục hồi kinh tế sau dịch

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, nguyên tắc quan trọng nhất của Thành phố là mở cửa an toàn, từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân tại Thành phố. Bảo đảm an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải bảo đảm an toàn.

15/09/2021 18:16

Phó Chủ tịch TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL do Bộ KH&ĐT tổ chức chiều 15/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TPHCM giảm 10,57%. Doanh thu ngành du lịch giảm 21,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%. Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm 43,6%. Gần 3.000 doanh nghiệp giải thể, hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 18% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TPHCM ước giảm 2,8% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Tính đến hết ngày 10/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 31% tổng kế hoạch được giao, chưa đạt yêu cầu so với kỳ vọng là đến hết 30/9 sẽ giải ngân được 60% kế hoạch.

Tại hội nghị, TPHCM đề xuất 4 kiến nghị để phục hồi kinh tế sau dịch.

Một là, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Theo đại diện lãnh đạo TPHCM, quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm.

Hai là, kiến nghị Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TPHCM.

Ba là, cho phép TPHCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Bốn là, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TPHCM đã kiến nghị.

Ngoài ra, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, TPHCM kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố không áp dụng việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% đến ngày 30/9/2021 và đạt 95-100% đến hết niên độ kế hoạch năm 2021 như kế hoạch đề ra. Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào các năm tiếp theo, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra theo đúng quy định.

Minh Ngọc