Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sốt ruột với các thành viên Chính phủ: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.
Chính phủ đã yêu cầu áp chuẩn OECD để loại bỏ giấy phép con cản trở doanh nghiệp. |
Quyết tâm của Chính phủ
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh chi phí cấp giấy phép chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm. “Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nêu rõ.
Chỉ tính từ đầu tháng 7 tới nay, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 Nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các ĐKKD bất hợp lý. Đó là Nghị quyết phiên họp thường kỳ các tháng 6, 7, 8 và cả Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8. Cũng tại phiên chuyên đề này, Chính phủ đã tập trung thảo luận về ĐKKD.
Trong đó Nghị quyết tháng 7 giao rõ nhiệm vụ cho các Bộ: Rà soát các ĐKKD theo nguyên tắc thị trường của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức rốt ráo khi liên tiếp phát đi các công văn cho thấy ông đang lắng nghe từng kiến nghị của doanh nghiệp và chuyên gia, như yêu cầu các Bộ rà soát các báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trước ý kiến trên báo chí của ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam rằng nhiều ĐKKD vẫn đang trói buộc doanh nghiệp ngành này phát triển, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ.
Không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo mang tính định hướng, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ cũng đã xem xét kỹ lưỡng các ĐKKD trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Chẳng hạn khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, Chính phủ đã thống nhất không quy định hộ kinh doanh thể thao phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như với doanh nghiệp. Thay vào đó, chỉ quy định theo hướng hậu kiểm để tạo thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính cho các hộ này.
Đây là những minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ, nhưng mặt khác, cũng là ví dụ cho một nhận định của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Các bộ ngành đề xuất rất nhiều ĐKKD và Chính phủ, Quốc hội phải thẩm định rất nhiều để sàng lọc.
Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã ghi nhận nhiều động thái cải cách của các Bộ thời gian qua. Nổi bật nhất, phải nhắc tới Bộ Công Thương với việc đề xuất sửa đổi, bãi bỏ hàng loạt điều kiện trong các lĩnh vực xuất khẩu gạo, kinh doanh khí, kinh doanh rượu… Cũng rất đáng hoan nghênh là việc Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ toàn bộ Nghị định 104 năm 2007 về ngành nghề kinh doanh đòi nợ, nghĩa là toàn bộ điều kiện kinh doanh với ngành này sẽ được bãi bỏ…
Thế nhưng cộng đồng doanh nghiệp chưa thấy chuyển động mạnh mẽ từ nhiều Bộ ngành khác. Nói như Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), “tôi đã tham gia bàn luận về vấn đề này từ lúc tóc còn xanh, tới nay đầu đã bạc, nhưng câu chuyện vẫn cứ phải bàn đi bàn lại”.
Cuộc chiến đang chờ các Bộ trưởng
“Kinh doanh có điều kiện và ĐKKD hiện vẫn là một cuộc chiến, không cập nhật, không thể thống kê chính xác có bao nhiêu điều kiện do các điều kiện này biến thiên hàng ngày, hàng giờ’, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM trăn trở.
Lý giải về nguyên nhân khiến các Bộ chậm chuyển động, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng trước hết là do chưa có sự thay đổi tư duy và nhận thức.
“Quản lý nhà nước về kinh doanh vẫn theo lối mòn cũ, vẫn theo tư duy kiểm soát và tiền kiểm. Có sự nhầm lẫn giữa các quy định về quy mô, số lượng và hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ quan tham mưu, soạn thảo chưa mạnh dạn tìm tòi, sáng kiến và chuyển sang áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, khoa học, công nghệ để thay thế cho các quy định ‘truyền thống’ về ĐKKD. Các quy định về ĐKKD hiện nay về cơ bản cũng giống như các ĐKKD đã được ban hành cách đây nhiều năm”, ông Cung nêu rõ.
Tương tự, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng loại bỏ “giấy phép con” là cuộc chiến đầy gian khổ đòi hỏi các cơ quan thực sự quyết tâm. “Nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự quyết tâm đến từ các cơ quan. Trong các rà soát, khảo sát, tôi không thấy có thành phần từ các Bộ, ngành tham gia, hay như trong các hội thảo, tôi chưa nhìn thấy sự tham gia tích cực của Bộ, ngành”, ông Huỳnh nhận định.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét dù chủ trương của Chính phủ là liên tục rà xét và cải cách ĐKKD nhưng các Bộ hầu như “án binh bất động”. Người dân, doanh nghiệp liên tục phàn nàn nhưng sự tháo gỡ thì khá chậm trễ. Để làm được những điều này, Chủ tịch VCCI cho rằng trước hết phải thay đổi tư duy như Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở.
Nhận xét “rất nhiều các ĐKKD bảo vệ lợi ích của bộ ngành”, TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kỳ vọng các tiêu chuẩn OECD sẽ như một thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp Việt Nam chặt đứt các ĐKKD vô lí, gây hại đến môi trường kinh doanh.
“Nếu sử dụng chuẩn OECD một cách nghiêm ngặt, tôi cho rằng chúng ta có thể cắt giảm được đến 2/3 số ĐKKD hiện tại”, TS Vũ Thành Tự Anh nói trên tờ báo của VCCI.
Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, việc cải cách các ĐKKD “sẽ rất dễ và cũng có thể rất khó”. Sẽ rất dễ nếu được các Bộ trưởng đồng tình ủng hộ, bởi nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, phải hành động quyết định, theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, để đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ Thủ tướng trong nỗ lực cải cách. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó.
Về phía Chính phủ, đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về kiểm soát ĐKKD, trình Chính phủ trước tháng 12 năm nay. Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp chặn đứng được các ĐKKD bất hợp lý, không cần thiết, tạo rào cản vô lý với doanh nghiệp.
Hà Chính