Ảnh minh họa |
Theo đó, việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải đảm bảo 4 nguyên tắc sau: 1- Việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do người đứng đầu tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ chịu trách nhiệm cao nhất; 2- Việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ; 3- Việc đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ phải được thực hiện trong suốt vòng đời của nguồn đến khi nguồn phóng xạ đạt mức miễn trừ khai báo, xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; 4- Phải xem xét các biện pháp bảo đảm an toàn, anh ninh phóng xạ từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ được chia thành 4 mức A, B, C, D, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ và nguy cơ tiềm ẩn tác động đến con người và môi trường. Trong đó, mức an ninh A tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn cao nhất, mức an ninh D tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn thấp nhất.
Tổ chức, cá nhân khi phát hiện có đối tượng tiếp cận trái phép với nguồn phóng xạ hoặc có ý định thực hiện hành vi chiếm đoạt, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 8 giờ kể từ khi phát hiện sự việc, thông báo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và cơ quan công an nơi gần nhất bằng văn bản hoặc fax hoặc qua điện thoại.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sự việc, tổ chức, cá nhân gửi báo cáo bằng văn bản cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và cơ quan công an nơi gần nhất. Báo cáo phải trình bày rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả, các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được áp dụng và kế hoạch thực hiện để tránh xảy ra sự việc tương tự.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.