Đảm bảo cho người dân TĐC cư có cuộc sống ổn định, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cấp, ngành căn cứ vào quỹ đất sản xuất của từng xã nhận dân TĐC để cân đối giao đất sản xuất nông nghiệp đồng đều cho hộ sở tại và hộ TĐC. Tỉnh đã bàn giao diện tích 762,3 ha đất sản xuất nông nghiệp cho gần 15.000 khẩu thuộc các hộ TĐC, trong đó diện tích đất 2 vụ lúa là 568,6 ha, diện tích đất 1 vụ lúa là 90,3 ha và diện tích đất màu là 103 ha. So với quy định về mức diện tích đất sản xuất giao cho hộ TĐC nông nghiệp, Tuyên Quang đã đảm bảo được quy định về giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ TĐC ở mức trên tối thiểu (bình quân 447m2/khẩu). Trong đó, hộ TĐC thuộc huyện Chiêm Hóa được giao đất sản xuất nông nghiệp bình quân cao nhất (451m2/khẩu quy về đất 2 lúa); hộ TĐC huyện Hàm Yên được giao đất sản xuất nông nghiệp thấp nhất (440m2/khẩu quy về đất 2 lúa). Để tăng vốn đất cho các hộ TĐC phát triển sản xuất, đến nay có 2 huyện Chiêm Hóa và Hàm Yên giao được thêm đất lâm nghiệp cho 282 hộ với diện tích 189 ha, trung bình giao 6.706m2/hộ. Như vậy, tất cả các hộ TĐC trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều được giao đủ diện tích đất nông nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao cho hộ TĐC chỉ thu hút được khoảng 30% nhu cầu việc làm cho nhân dân. Trên thực tế, ngoài sản xuất nông nghiệp, các hộ dân TĐC hầu như chưa tạo thêm được việc làm mới, tình trạng thiếu việc làm đang rất phổ biến trong vùng TĐC.
Để tăng thu nhập cho các hộ dân TĐC, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ về công tác khuyến nông, cử cán bộ khuyến nông đến điểm TĐC hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật canh tác cây trồng vật nuôi theo từng mùa vụ cụ thể trên từng địa bàn. Đến nay, các hộ TĐC trên địa bàn tỉnh đã cơ bản ổn định chỗ ở, yên tâm lao động, hòa nhập với cộng đồng dân cư sở tại. Một số khu có trình độ canh tác cao như An Khang (thị xã Tuyên Quang), Kim Phú, Hoàng Khai, Mỹ Bằng (Yên Sơn)…người dân TĐC đã hòa nhập tốt và đạt được kỹ năng sản xuất tương đương với người dân sở tại.
Khiếu Thư