45% diện tích ĐBSCL có thể nhiễm mặn vào năm 2030 - Ảnh: Nước mặn vào ngập chân ruộng mía. |
Báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương cho biết sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề trong 6 tháng đầu năm 2016 do hiện tượng El Nino lên tới đỉnh điểm sau 100 năm, khiến nắng nóng, khô hạn kéo dài, hạn mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Diện tích lúa và mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề, có nơi bị mất trắng; năng suất và sản lượng lúa giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Trong đợt hạn, mặn vừa qua, 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã công bố thiên tai (gồm Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu). Mặn đã xâm nhập sâu vào nội địa của vùng tới gần 80 km, tỉ lệ độ mặn ở nơi cao nhất lên tới 23‰ (mức độ không thể sản xuất nông nghiệp được).
Vụ sản xuất lúa đông xuân 2015- 2016 có diện tích xuống giống toàn vùng là hơn 1,5 triệu ha nhưng năng suất chỉ đạt 66,4 tạ/ha, giảm gần 5 tạ/ha so với niên vụ trước; sản lượng là hơn 10 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn. Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính tới tháng 6/2016, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại vì mặn đã là 83.000 ha.
Ước tính tổng thiệt hại nông nghiệp toàn vùng là 4.678 tỷ đồng, trong đó lúa là 232.000 ha, hoa màu là 6.561 ha, cây ăn quả và công nghiệp bị thiệt hại hơn 10.800 ha và 226.000 gia đình thiếu nước sạch.
Sản xuất bị ảnh hưởng đã làm cho lĩnh vực nông, lâm thủy sản của nhiều địa phương như Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng tăng trưởng âm, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của toàn vùng.
Trước diễn biến phức tạp của hạn mặn ở ĐBSCL từ cuối năm 2015 tới nửa đầu năm 2016, Bộ NN&PTNT và nhiều địa phương đã thúc đẩy các hoạt động nhằm phòng, chống và thích ứng với xâm nhập mặn bằng các công trình thủy lợi, đê bao ngăn mặn kiên cố hoặc các đập ngăn mặn tạm thời, đã giúp giảm sự xâm nhập mặn, hỗ trợ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết thách thức nổi lên trong thời gian tới không chỉ là đối phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ĐBSCL còn phải đối mặt với nguy cơ trong tương lai gần nếu các đập thủy điện phía đầu nguồn tích nước, dòng Mekong sẽ không đủ “lực” để đẩy nước mặn ra biển thì xâm nhập mặn sẽ càng vào sâu.
“Nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó từ bây giờ thì nền nông nghiệp của vùng sẽ bị kiệt quệ trong vòng 3 năm tới và đến năm 2030, có tới 45% diện tích ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Có cơ hội lấy lại đà tăng trưởng nông nghiệp toàn vùng
Hạn mặn, thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã khiến tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước và vùng ĐBSCL ở mức âm 0,7%.
Để bảo đảm tăng trưởng của ngành trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ đã tập trung chỉ đạo các địa phương trồng vụ lúa thu đông khi thời tiết đang thuận lợi. Dự kiến sản lượng lúa của vụ này sẽ đạt hơn 9 triệu tấn.
Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của vùng sẽ khởi sắc trong quý IV khi các hợp đồng xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch với Trung Quốc (chiếm 70% sản lượng xuất khẩu) được thực thi sẽ góp phần hỗ trợ cho nông dân và bù lại mức độ tăng trưởng vốn bị “hụt” trong nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng tập trung hướng dẫn việc sản xuất các mặt hàng thủy sản như tôm thẻ chân trắng, cá tra… khi giá cả các mặt hàng này đang nhích lên.
Ngoài ra, việc xuất khẩu rau củ quả, cây ăn trái của vùng cũng đạt hiệu quả tại các thị trường Australia, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, do vậy ông Nam đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo việc sản xuất các mặt hàng này để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tin tưởng với những tín hiệu khả quan từ diễn biến thời tiết và giá cả các mặt hàng nông sản thì các tỉnh trong vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành được các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp trong năm 2016.
Thành Chung