|
Khủng hoảng tài chính là liệu pháp "đo" sức khỏe của các thị trường tài chính. |
Tờ Wall Street Journal ( Tạp chí phố Wall) mới đây đã đăng bài viết của tác giả David Wessel với tựa đề “5 bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Bài báo đã đề cập 5 nội dung- là những bài học có thể chiêm nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thứ nhất, một hệ thống tài chính mạnh và được quản lý tốt sẽ là bước phòng thủ đầu tiên trước bất kỳ cơn bão tài chính nào. Một nền kinh tế càng có độ mở bao nhiêu thì việc giám sát thị trường và các tổ chức tài chính càng phải chặt chẽ bấy nhiêu vì nền kinh tế thị trường mở cũng đồng nghĩa với nguy cơ doanh nghiệp thất bại cao kèm theo đó là những rủi ro lớn của các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư và cho vay đối với các doanh nghiệp đó. Bài học quan trọng nhất từ cuộc khủng hoảng này là cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng tạo ra sự đổi mới nhưng cũng chứa đựng sự bất ổn định.
Những phản ứng chính sách mạnh mẽ và liên tục là vòng bảo vệ thứ 2. Những cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy rằng sự ứng phó liên tục ( bằng các chính sách) của chính phủ trước những vấn đề nảy sinh của thị trường tài chính là điều thiết yếu để bù đắp những thiếu sót của nền kinh tế và ngăn chặn giảm phát.
Vòng bảo vệ thứ 3 nằm ở khả năng quản lý vĩ mô khéo léo và giá cả bất động sản.
Thứ 4 là tỷ giá linh hoạt mở rộng hiệu quả của chính sách tiền tệ trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trầm trọng một phần cũng do sự mất cân đối của hệ thống tài chính của một số quốc gia.
Một trong những lý do khiến các thị trường tài chính các nước bị “vạ lây” là do các nhà đầu tư quốc tế đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng ở các thị trường phát triển đã đẩy mạnh bán ra các khoản đầu tư nhiều rủi ro ở các thị trường đang phát triển, bao gồm các khoản đầu tư tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu. Kết quả, đồng nội tệ và giá cổ phiếu tại các thị trường này cùng sụt giá cực mạnh.
Kinh nghiệm Việt Nam
Đối chiếu với những bài học trên, có thể thấy Việt Nam đã làm tốt công tác quản lý vĩ mô đối với thị trường tài chính trong nước thông qua chính sách tỷ giá linh hoạt và được kiểm soát chặt chẽ.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định: Công tác chỉ đạo, điều hành tài chính, tiền tệ kinh doanh ‘’theo tín hiệu của thị trường’’ nên mức lạm phát 6 tháng đầu năm giảm dần so với mức của năm 2008.
Những thay đổi chính sách nhanh chóng gần đây cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang thiết lập hệ thống thu thập thông tin tốt và tạo ra nhiều cơ hội để đối thoại với các thành viên chính của thị trường, đó là một yếu tố rất quan trọng để chính sách tiền tệ được điều hành thật sự hiệu quả ở tầm vĩ mô, chuyên gia chính sách tiền tệ, Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Hisatsugu Furukawa đánh giá như vậy.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm, Chính phủ đã quyết định tiếp tục “chủ động phòng ngừa tái lạm phát trong những tháng cuối năm bằng việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt đi đôi với kiểm soát chặt chẽ; tăng cường công tác quản lý giá".
Với những động thái trên, Việt Nam có sự chủ động trong việc quản lý chặt chẽ diễn biến của thị trường tài chính trong nước, không những làm giảm thiếu tối đa ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà còn cho thấy khả năng đứng vững của thị trường tài chính Việt Nam.
Hải Minh