In bài viết

5 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

(Website Chính phủ) - Nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật thuế, đảm bảo môi trường bình đẳng, công bằng cho người chấp hành tốt nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế và thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Theo đó, có 5 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

31/12/2007 16:30

Xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật thuế, đảm bảo môi trường bình đẳng, công bằng cho người chấp hành tốt nghĩa vụ thuế

Các trường hợp phải tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế gồm: Nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp theo quy định; nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã hết thời hạn gia hạn nộp vào Ngân sách Nhà nước; nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, công chức thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế phải giao trực tiếp quyết định cưỡng chế cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế là 5 ngày làm việc và phải có chữ ký xác nhận của đối tượng bị cưỡng chế hoặc người nhận thay.

Nếu có căn cứ cho rằng, đối tượng bị cưỡng chế có dấu hiệu tẩu tán tiền trong tài khoản hoặc tẩu tán tài sản thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phải tổ chức thực hiện ngay quyết định cưỡng chế mà không cần thông qua các thủ tục giao, nhận quyết định.

Thông tư quy định 5 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Theo đó việc xử lý, thực hiện các quyết định xử phạt hành chính thuế thực hiện theo Luật Quản lý thuế theo trình tự: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế tại kho bạc, ngân hàng, các tổ chức tín dụng…; khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập của đối tượng nộp thuế; kê biên tài sản của đối tượng nợ thuế; kê biên tài sản do người thứ ba nắm giữ; thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Các biện pháp này sẽ được áp dụng trình tự, theo từng biện pháp một. Biện pháp đầu không thực hiện được hoặc chưa đủ thì mới áp dụng biện pháp tiếp theo.

Khi thực hiện biện pháp thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế phải thông báo liên tiếp 3 lần trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình Trung ương hoặc của địa phương nơi đối tượng bị cưỡng chế đang cư trú hoặc có trụ sở kinh doanh.

Thông tư cũng nêu rõ, các quy định khác về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật xử lý vi phạm hành chính không hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan.

Phương Lan

(Nguồn: Thông tư số 157/2007/TT-BTC)