In bài viết

5 điểm lưu ý về xuất siêu

(Chinhphu.vn) - Sau khi xuất siêu trong 2 tháng đầu năm và đã nhập siêu với quy mô không nhỏ trong 3 tháng tiếp đó, thì 2 tháng nay, chúng ta đã liên tiếp xuất siêu . Dấu hiệu này vừa là tin mừng, nhưng cũng có những điều cần lưu ý.

29/07/2013 15:32

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2013, cả nước nhập siêu 733 triệu USD, bằng khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch đầu năm (8% xuất khẩu, tương đương với 10 tỷ USD) và cũng không lớn như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khung kế hoạch 2014 (7,1%, khoảng 9 tỷ USD)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ở góc nhìn lạc quan, các chuyên gia cho rằng dự báo nhập siêu thấp sẽ giúp làm giảm những tác động, nguy cơ của việc mất cân đối cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể, giúp dự trữ ngoại hối, tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định.

Nhập siêu thấp góp phần làm tăng thị phần của sản xuất trong nước, làm giảm tính gia công trong sản xuất và tính đại lý trong thương mại, góp phần tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời, giảm bớt tiêu dùng hàng ngoại trong một bộ phận không nhỏ dân cư.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng xuất siêu trong vài tháng nay không phải do xuất khẩu tăng lên, mà còn do nhập khẩu tăng chậm lại. Đây là một trong những yếu tố cho thấy tăng trưởng sản xuất không bật lên được và tốc độ tăng xuất khẩu bị chậm lại, tác động không tốt đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện nay và trong thời gian tới.

Do đó có 5 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là việc lo cho tăng trưởng, chính là lo cho sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động, nên cần chấp nhận một mức nhập siêu nhất định, nhất là để tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, chưa quá lo lắng cho việc nhập siêu, chưa vội mừng cho xuất siêu.

Thứ hai là giá nhập khẩu trên thế giới đang ở mức thấp, nên đây cũng là thời cơ nhập được một lượng hàng lớn hơn, nhưng tốn ít ngoại tệ hơn.

Thứ ba là để đón đầu quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu thì nhập siêu ở mức độ nhất định cũng có thể là bình thường.

Thứ tư là sự biến động của tỷ giá từ đầu năm đến nay cho thấy nếu nhập siêu gia tăng thì “sóng” sẽ trở thành xu hướng là không tốt, sẽ gây bất ổn tỷ giá, mà bất ổn tỷ giá lại tác động đến lòng tin. Vì vậy không nên để nhập siêu lớn.

Thứ năm là tâm lý chuộng hàng ngoại, hơn nữa còn là hàng hiệu trong một bộ phận dân cư, không chỉ của những người giàu có, mà còn cả của những người “đua đòi”, thì việc kiềm chế nhập khẩu những mặt hàng thuộc nhóm hàng này là cần thiết.

Minh Ngọc