Theo đó, 5 nhiệm vụ chung trọng tâm trong quản lý chất lượng năm học 2023-2024 gồm: Chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023.
Tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục (CLGD) quốc gia và quốc tế theo kế hoạch
Triển khai hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục. Khai thác, sử dụng dữ liệu kết quả kiểm định phục vụ cho công tác quản lý và cải tiến chất lượng.
Quản lý văn bằng chứng chỉ thống nhất và hướng đến hội nhập quốc tế. Chú trọng việc quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của các cơ sở giáo dục. Tăng cường quản lý việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ trên địa bàn. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả văn bằng chứng chỉ và mua bán văn bằng chứng chỉ.
Tiếp tục thực hiện Quy chế của Bộ GD&ĐT về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Về các nhiệm vụ cụ thể đối với Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024: Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).
Chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2023; xúc tiến chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay trong năm học 2023-2024.
Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; tăng cường chức năng quản lý nhà nước, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trách nhiệm tham mưu của Sở GD&ĐT trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.
Đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng, thi chọn HSG; tổ chức hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; xây dựng để triển khai phương án dự phòng thích ứng với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).
Đối với công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC), Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức rà soát, ban hành các quy định về việc quản lý phôi VBCC, cấp phát VBCC trên địa bàn bảo đảm đủ nội dung, đúng quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT và phù hợp với điều kiện thực tế tại Sở GD&ĐT và đặc thù địa phương, coi đây là công cụ quan trọng để quản lý, hướng dẫn, kiểm tra nhằm bảo đảm việc quản lý cấp phát VBCC đúng quy định hiện hành và phục vụ tốt nhu cầu của người học, người dân.
Chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp làm giả VBCC; mua bán, sử dụng VBCC giả trên địa bàn.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, thẩm định lại chương trình bồi dưỡng, công tác tổ chức và quản lý các khóa bồi dưỡng, các điều kiện bảo đảm chất lượng để bồi dưỡng, sát hạch và cấp các loại chứng chỉ theo thẩm quyền và trên địa bàn. Dừng việc cấp chứng chỉ đối với các đơn vị không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai các đơn vị đã bị xử lý.
Lan Phương