Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Tại Khoản 2, Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định việc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
- Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
- Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức;
- Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
- Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Quy trình xét miễn nhiệm, hồ sơ miễn nhiệm
Quy trình xem xét miễn nhiệm, hồ sơ miễn nhiệm đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương áp dụng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương ở các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2010/QĐ-UBND ngày 6/9/2010 của UBND TP. Hà Nội) như sau:
Trưởng phòng Tổ chức (hoặc Văn phòng nơi không có Phòng Tổ chức), Phòng Nội vụ căn cứ vào mức độ vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP lập tờ trình báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đề xuất việc miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét giao cho Trưởng phòng Tổ chức (hoặc Văn phòng nơi không có Phòng Tổ chức), Phòng Nội vụ thông báo trao đổi và nghe ý kiến của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương về việc miễn nhiệm.
Trưởng phòng Tổ chức (hoặc Văn phòng nơi không có Phòng Tổ chức), Phòng Nội vụ tập hợp đầy đủ tài liệu có liên quan báo cáo Thường vụ Đảng ủy hoặc Chi ủy và Ban lãnh đạo xem xét, quyết định.
Riêng đối với UBND cấp huyện thì Phòng Nội vụ tập hợp đầy đủ tài liệu có liên quan báo cáo Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét thảo luận thống nhất để trình Ban Thường vụ huyện ủy quyết định.
Sau khi có Nghị quyết hoặc Thông báo của Ban Thường vụ huyện ủy, Phòng Nội vụ tiến hành thủ tục miễn nhiệm.
Hồ sơ miễn nhiệm gồm:
- Tờ trình của Phòng Tổ chức (hoặc Văn phòng nơi không có Phòng Tổ chức), Phòng Nội vụ;
- Các tài liệu có liên quan;
- Tóm tắt lý lịch và quá trình công tác;
- Bản nhận xét đánh giá cán bộ trong thời gian giữ chức vụ;
- Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy hoặc Chi ủy và Ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị;
Đối với UBND cấp huyện: Chủ tịch UBND cấp huyện có tờ trình báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy xem xét quyết định; Nghị quyết hoặc thông báo của Ban Thường vụ huyện ủy.
Chế độ đối với công chức miễn nhiệm
Theo Khoản 3 Điều 42 và Khoản 3, Khoản 4 Điều 44 Nghị định 24/2010/NĐ-CP thì công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; do không đủ năng lực, uy tín để làm việc; do vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.