Thứ nhất, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch trên các ngành, lĩnh vực.
Thứ hai, quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Thứ ba, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân.
Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân cũng như việc đầu tư hạ tầng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu năng lượng, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh và hiệu quả trong dài hạn, cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân và các tổ chức có liên quan về vai trò và tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Trong đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng đến tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường.
Thứ tư, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.
Thực tế, đóng góp phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,8% so với tổng lượng phát thải của toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính/kỹ thuật một cách thỏa đáng từ các đối tác phát triển để triển khai thành công lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Thứ năm, trong quá trình triển khai chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.
Cũng theo Thứ trưởng Ngọc, cả hệ thống đều chung một nhận thức rằng chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững được xem là yếu tố then chốt để giảm phát thải khí nhà kính, đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu và là một trong 10 định hướng quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Vì vậy, nhiều thông tin mang tính tổng hợp, nhiều chiều cạnh sẽ đóng góp cho việc xây dựng một lộ trình hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam.
"Tôi hi vọng việc thảo luận, chia sẻ một cách toàn diện, sâu sắc về tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp đưa ra những khuyến nghị cụ thể, góp phần vào thành công tới đây của Hội nghị COP27 tại Ai Cập, được tổ chức với mục đích chính nhằm cụ thể hóa các cam kết tại COP26", Thứ trưởng Bích Ngọc chia sẻ tại Hội thảo./.
Minh Ngọc