Theo lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), sau 6 năm triển khai thi hành, Luật Hộ tịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch của UBND các cấp; từng bước tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; thay đổi phương thức đăng ký hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thuận lợi cho người dân.
Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân.
CSDL hộ tịch điện tử dần được hình thành với hàng chục triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử, nhận cha, mẹ, con, đăng ký giám hộ, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch tiếp tục được đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho người dân. Tỉ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh tăng hàng năm; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,8%.
63 tỉnh, thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng CSDL hộ tịch điện tử; triển khai Đề án 06; đẩy mạnh cung cấp các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhất là 3 thủ tục thiết yếu: Đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn. Việc số hóa sổ hộ tịch cũng đang được các địa phương chú trọng triển khai.
Công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến. Từ 01/01/2016 đến 30/6/2022, UBND cấp huyện trên toàn quốc đã giải quyết 74.044 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là 27.353 trường hợp. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện được tăng cường, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, một số quy định pháp luật hộ tịch dần bộc lộ tồn tại; việc triển khai xây dựng, hoàn thiện CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu tính ổn định…
Do đó, để đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hộ tịch, thời gian tới cần tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch; tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan; bảo đảm điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Luật Hộ tịch có hiệu lực từ 01/01/2016 đánh dấu bước tiến quan trọng, góp phần bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Sau khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành, toàn ngành tư pháp đã tích cực chủ động triển khai các hoạt động trên cơ sở kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Trong nhiều kết quả đạt được, có nỗ lực của các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương đã cùng vượt khó khăn, thách thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả; sớm xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch toàn quốc để chia sẻ, kết nối với các CSDL khác theo quy định của Nhà nước.
Những kết quả đạt được trong công tác hộ tịch luôn là điểm sáng trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, nhận được sự hài lòng của người dân. Trong bối cảnh Chính phủ quan tâm, tăng cường hợp tác quốc tế, năm 2014, Việt Nam đã tham gia tuyên bố cấp Bộ trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương về đăng ký, thống kê hộ tịch với nhiều mục tiêu và giải pháp đã và đang được cơ quan Việt Nam thực hiện, đem lại những kết quả cụ thể.
“Những kết quả tích cực trong 6 năm thi hành Luật Hộ tịch là đáng ghi nhận, tự hào. Tuy nhiên còn một số việc chưa được thực hiện tốt, thiếu thống nhất, hiệu quả. Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân do gần 20.000 cán bộ tư pháp hộ tịch hiện nay đang phải đảm đương nhiều công việc, trong khi đó, điều kiện làm việc và các nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ.
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Naomi cho rằng, với vai trò cơ quan chủ trì trong triển khai Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp công tác hộ tịch đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn trong công tác hộ tịch, hiện đại hóa việc đăng ký, thống kê hộ tịch, nâng cao tỉ lệ đăng ký hộ tịch của người dân.
Hiện nay công dân Việt Nam có thể đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà, tỉ lệ đăng ký khai tử và một số sự kiện hộ tịch khác cần được cải thiện. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy công tác phối hợp, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương.
Thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực thi Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, bà Naomi cam kết UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
* Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch.
Lê Sơn