Chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Trung Quốc đang khiến nhiều quan chức của nước này tìm mọi cách lẩn tránh không bị pháp luật “hỏi thăm”. Không ít quan tham Trung Quốc đang “né” thông qua những dự án lớn hoặc tìm cách nghỉ hưu sớm, thậm chí một số người đã tự tử. Hồi tháng 4, tờ Thanh niên Nhật báo của Trung Quốc đưa tin, trong số 54 quan chức chết vì “nguyên nhân bất thường” trong thời gian từ tháng 1/2013-4/2014, có 40% tự vẫn. Trong đó, có 8 quan chức nhảy lầu.
“Các quan chức địa phương đã có cách đối phó là “chờ xem” khi mà chiến dịch chống tham nhũng được đẩy nhanh. Điều này có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế”, chuyên gia Nie Wen thuộc Công ty Hwabao Trust ở Thượng Hải nhận xét.
Hiện chưa có dữ liệu cụ thể nào cho thấy chống tham nhũng gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Công ty Huachuang Securities ở Bắc Kinh cho rằng những nỗ lực chống tham nhũng và lãng phí có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng 7,7% đạt được trong năm 2013.
Hồi tháng 3, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, số tiền chi cho các cuộc họp và các chuyến công du nước ngoài của quan chức đã giảm tương ứng 53% và 39% so với năm 2012.
Theo công bố trên trang mạng chính thức của Ban Giám sát Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đầu năm đến hết tháng 6/2014, Trung Quốc đã có 375 thông báo điều tra chống tham nhũng, liên quan đến 842 quan chức.
Công tác chống tham nhũng của Trung Quốc được báo Thanh niên nước này đánh giá là có 7 cái “nhất” sau đây.
1/Tháng 5 có nhiều quan chức bị điều tra nhất: 529
Công tác chống tham nhũng được đẩy mạnh, số quan chức “ngã ngựa” cũng không ngừng tăng nhanh. Trong đó, “cơn bão chống tham nhũng” tháng 5 là mạnh nhất, chiếm 62,8% trên tổng số. Các quan chức “ngã ngựa” trong tháng 5 này chủ yếu liên quan đến vụ nhận hối lộ để mua bán phiếu bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân ở tỉnh Hồ Nam. Ngày 9/5, Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra tỉnh Hồ Nam thông báo quyết định xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền đối với một số người vi phạm kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền trong vụ phá hoại bầu cử ở Hoành Dương. Chỉ trong vụ này đã có 466 người bị lập hồ sơ điều tra. Đây có thể nói là vụ án có nhiều người bị điều tra cùng lúc nhất trong năm 2014.
Ngoài tháng 5 “đỉnh cao” ra, trong tháng 3 và tháng 4, tính trung bình có từ 2 đến 3 quan chức ngã ngựa mỗi ngày.
2/Tỉnh có nhiều quan chức bị điều tra nhất: Hồ Nam
Trong nửa đầu năm nay, tỉnh có quan chức bị điều tra nhiều nhất là Hồ Nam - nơi xảy ra vụ án phá hoại bầu cử Hoành Dương. Số quan chức bị điều tra là 485.
Các tỉnh xếp sau Hồ Nam về số lượng quan chức bị điều tra lần lượt là Phúc Kiến với 34 người, Hồ Bắc với 30 người, Quảng Đông với 27 người và Sơn Tây với 25 người.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2014, Ủy ban Quản lý giám sát tài sản Nhà nước Quốc Vụ viện thông báo điều tra 3 người; Công ty Tập đoàn Thông tin di động Trung Quốc thông báo điều tra 4 người; Tập đoàn Xuất bản Trung Quốc thông báo điều tra 3 người.
Đáng chú ý là trong hệ thống Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra từ trung ương đến địa phương có tới 7 quan chức “ngã ngựa”. Trong đó, ngày 9/5 nguyên Chủ nhiệm Phòng Giám sát Kỷ luật Kiểm tra 4, Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương Ngụy Kiện “ngã ngựa”. Ngày 19/5, nguyên kiểm tra viên, chuyên viên giám sát cấp vụ, Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương Tào Lập Tân “ngã ngựa”, khiến cư dân mạng tán dương ủy ban này đã dám “mổ xẻ” chính mình trong công tác chống tham nhũng.
3/ Hai “hổ” lớn nhất: Tô Vinh và Từ Tài Hậu
Ngày 14/6, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc khóa 12, ông Tô Vinh, nay 66 tuổi, trở thành lãnh đạo cấp toàn quốc đầu tiên bị điều tra kể từ Đại hội Đảng 18 đến nay. Nửa tháng sau, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị khai trừ khỏi đảng và bị bắt giữ.
4/ Khu vực tham nhũng nhất: Chính Hiệp, Quốc hội, giáo dục và năng lượng
Nửa đầu năm 2014, lĩnh vực có nhiều quan “ngã ngựa” nhất lần lượt là hệ thống Chính Hiệp toàn quốc với 32 người; hệ thống Quốc hội (bao gồm HĐND) với 26 người; hệ thống giáo dục với 25 người.
Tiếp sau vụ nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Lưu Thiết Nam “ngã ngựa” hồi năm ngoái, năm nay lĩnh vực năng lượng vẫn là “tâm bão”. Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực năng lượng có 16 quan chức “ngã ngựa”.
5/ “Ngã ngựa” nhanh nhất: Vạn Khánh Lương
Từ đầu năm 2014, cơ quan giám sát kỷ luật kiểm tra đẩy nhanh thời gian xử lý các vụ án quan chức vi phạm kỷ luật, pháp luật. Đặc điểm mới trong công tác chống tham nhũng là nhiều quan chức “ngã ngựa” mà không có “điềm báo” nào.
Ngày 27/6, nguyên Bí thư Thành ủy Quảng Châu, ông Vạn Khánh Lương, đã “ngã ngựa” do vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng. Một giờ đồng hồ trước khi ông này bị đưa đi điều tra, Đại học Quảng Châu vẫn đang chuẩn bị lễ đón ông này. Tờ Dương Thành cùng ngày trên trang nhất vẫn đăng hoạt động của ông Vạn Khánh Lương diễn ra hôm 26/6, trong khi chiều cùng ngày, ông Vạn Khánh Lương đã bị đưa đi điều tra.
6/ Quan chức cấp cao nhất bị nêu đích danh: Tống Lâm
Năm 2014, việc nêu đích danh đã phát huy tác dụng ngày càng tốt hơn trong chống tham nhũng. Sáu tháng đầu năm đã có ít nhất 5 vụ được “lập công” nhờ nêu đích danh. Quan chức cấp cao nhất bị nêu đích danh là ông Tống Lâm, người giữ chức vụ cấp Thứ trưởng. Sau khi bị phóng viên Vương Văn Chí nêu đích danh là quan chức có tình nhân và tham ô, ông này còn ra mặt phủ nhận, nhưng ngay sau đó đã bị điều tra.
7/ Thời gian thông báo không ngờ nhất: Ngoài giờ hành chính
Trong 375 lần thông báo trên trang mạng chính thức của Ban Giám sát Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương, có đến 128 thông báo rơi vào ngoài giờ hành chính, chiếm 34,1%. Cư dân mạng gọi đây là “cú đánh không ngờ tới nhất”. Như thời gian thông báo ông Thân Duy Thìn vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng là vào lúc 20 giờ 55; thông báo ông Đỗ Thiện Học vi phạm kỷ luật, pháp luật vào lúc 17 giờ 30.
Theo Forbes, nhà kinh tế Hồng Kông Lu Ting (Tập đoàn Merrill Lynch), cho rằng một trong những tác động của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc là làm chậm tăng trưởng đầu tư tài sản cố định do các quan chức chính quyền địa phương và giám đốc điều hành của các công ty nhà nước đang thận trọng trước khả năng bị kết tội tham nhũng hoặc vì họ không có động cơ tài chính nào trong đó. Ông Lu ước tính điều này có thể tác động lên ít nhất là 1% tăng trưởng GDP.
Vì vậy, theo các nhà kinh tế, có vẻ như xảy ra cái vòng lẩn quẩn. Đầu tiên là tăng trưởng cao đi kèm với tham nhũng lớn, sau đó dẫn đến điều tra chống tham nhũng mạnh hơn, dẫn đến tăng trưởng thấp rồi lại kích thích kinh tế, rồi tăng trưởng trở lại và xuất hiện nhu cầu tăng cường điều tra tham nhũng… Đối với Trung Quốc, để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn này, dù thế nào đi nữa cũng chắc chắn phải tăng cường chống tham nhũng. Điều quan trọng là chỉ khi các chiến dịch chống tham nhũng đến hồi kết thúc, Trung Quốc mới có thể tiếp tục xúc tiến các cải cách cấu trúc kinh tế vốn đã ngưng nửa chừng..
Theo các nhà kinh tế, điều khó khăn hiện nay ở Trung Quốc là làm sao điều phối được 3 trọng tâm: cải cách kinh tế, chống tham nhũng và kích thích nền kinh tế để nền kinh tế tăng trưởng ổn định./.
Nguyễn Chiến