In bài viết

70 năm không ngừng tiến tới xã hội học tập suốt đời

(Chinhphu.vn) - Ngay sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, trong 6 việc làm cấp bách, Hồ Chủ tịch xếp việc chống nạn mù chữ là nhiệm vụ thứ hai chỉ sau việc chống nạn đói.

01/09/2015 14:38
Bác Hồ thăm một lớp Bình dân học vụ trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

Từ phong trào bình dân học vụ xóa mù chữ…

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành 3 Sắc lệnh.

Sắc lệnh số 17 “Đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam”; Sắc lệnh số 19 “Trong toàn cõi nước Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối…”; Sắc lệnh số 20 “Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.

Cũng ngay trong ngày 8/9/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ để triển khai nhanh chóng chiến dịch chống nạn mù chữ.

Đầu tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”.

Với khí thế ngút trời của Cách mạng tháng Tám, với những nỗ lực phi thường của cán bộ, giáo viên và nhân dân, chỉ sau một năm hoạt động bình dân học vụ (8/9/1945-8/9/1946) đã có 74.957 lớp học dạy xóa mù chữ và có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (ước tính nước ta hồi ấy có 22 triệu người). Đây là thành tích to lớn về mặt văn hóa của đất nước.

Sau khi cả nước đã căn bản thanh toán nạn mù chữ, tháng 8/1991, tại  kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VIII đã thông qua Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt dành cho bậc học cơ sở.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII nêu rõ: “Thanh toán nạn mù chữ cho những người trong độ tuổi 15-35, thu hẹp diện mù chữ ở các độ tuổi khác, đặc biệt chú ý vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tất cả các tỉnh đều đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học khi bước sang thế kỷ 21”.

Để đạt được mục tiêu nói trên, từ năm 1989, Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ đã được thành lập và tập trung nỗ lực xóa mù chữ cho khoảng 1 triệu người từ 35 tuổi trở xuống, trước hết cho cán bộ và thanh niên.

Kết quả, đến năm 2000, tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 là 98,69%; độ tuổi tuổi 15-60 là 97,73%. Tỉ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 của người dân tộc thiểu số là 95,82%; độ tuổi 15-60 là 92,53%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,8% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ.

Để nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ cốt cán, thanh niên ưu tú và người lao động, Đảng và Nhà nước chủ trương mở thêm nhiều trường bổ túc văn hóa (BTVH) ở khắp các tỉnh phía Nam.

Đến đầu những năm 1980, cả nước có khoảng 500 trường BTVH với nhiều loại hình khác nhau, như bổ túc dân chính, phổ thông lao động, bổ túc công nông, thanh niên dân tộc, trường bổ túc của các ngành, nhà máy, xí nghiệp, công trường.

Sau 40 năm hình thành và phát triển, các trường BTVH đã đạt được những thành tựu to lớn, nâng cao trình độ văn hóa cho hàng triệu cán bộ và nhân dân lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ người dân tộc thiểu số. Ảnh: Báo Quảng Nam

Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, mạng lưới các trường BTVH và học viên BTVH giảm dần. Nguyên nhân là do các trường BTVH chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là dạy BTVH cho người lớn. Trong khi đó, nhu cầu học tập của cán bộ, người lao động và cả lực lượng thanh thiếu niên ngày càng đa dạng. Ngoài việc học BTVH để nâng cao trình độ, họ còn có nhu cầu học tập để nâng cao kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác – giúp họ làm tốt hơn công việc đang làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải có một loại hình trường lớp có khả năng vừa giúp người học nâng cao trình độ văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng và tạo cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh, chuyển hướng đổi các trường BTVH thành các trung tâm giáo dục (trung tâm học tập, trung tâm giáo dục suốt đời, trung tâm giáo dục người lớn) và hiện nay là trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) có chức năng cung cấp cơ hội học tập cho những người không có điều kiện học tại các trường phổ thông chính quy.

Với nguyên tắc đại chúng, thiết thực và đa dạng, các hoạt động GDTX đã được triển khai và cả một mạng lưới các trung tâm GDTX đã được hình thành nhanh chóng ở tất các các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, cả nước có 730 trung tâm GDTX (trong đó, có 71 trung tâm cấp tỉnh; 659 trung tâm cấp huyện).

Đến xây dựng xã hội học tập suốt đời

Bước vào thế kỷ 21, đối với GDTX, Đại hội Đảng lần thứ IX xác định nhiệm vụ: “Phát triển giáo dục không chính quy, mở ra các hình thức học tập cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế-xã hội, sao cho mọi người có thể học tập suốt đời, hướng tới một xã hội học tập”. Nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục chủ trương “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, đồng thời với việc tăng cường các trung tâm giáo dục thường xuyên, ngành GD&ĐT và hội khuyến học các cấp đã xây dựng hàng nghìn trung tâm, tạo cơ sở quan trọng để đông đảo người dân có thêm cơ hội học tập nhằm nâng cao năng lực lao động và chất lượng cuộc sống. Việc phát triển mạng lưới cơ sở GDTX ở cấp xã là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển xã hội học tập.

Hiện nay, toàn quốc có 11.038 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỉ lệ 99,16% số xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng), huy động được gần 18,5 triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm.

Để đẩy nhanh qua trình xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và Quyết định số 89/2013/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

Đây chính là tiền đề quan trọng để phát huy thành quả 70 năm giáo dục toàn dân, hướng tới xã hội học tập suốt đời, không ngừng học tập nâng cao và trau dồi tri thức để bảo vệ thành quả của đất nước 70 năm qua và xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Công Hinh

Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT