Các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Trung Quốc đã dành nhiều thời gian phân tích những đặc điểm địa phương, cách thức chế biến, khẩu vị... và bước đầu đã phân chia ẩm thực Trung Quốc thành 8 trường phái ẩm thực chính gồm: Sơn Đông, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và An Huy.
Người Trung Quốc đã hình tượng hoá các trường phái ẩm thực của mình một cách nghệ thuật. Theo họ, trường phái ẩm thực Giang Tô và Chiết Giang như “một người đẹp phương Nam”; trường phái ẩm thực Sơn Đông và An Huy giống “một chàng trai khoẻ mạnh, kiệm lời”; trường phái ẩm thực Quảng Đông và Phúc Kiến là “một thanh niên lãng mạn”; trường phái ẩm thực Tứ Xuyên và Hồ Nam lại là “nhà bác học, nhà bách khoa thư”...
Trường phái ẩm thực Sơn Đông
Đứng đầu bảng xếp hạng 8 trường phái ẩm thực Trung Quốc là trường phái ẩm thực Sơn Đông. Tỉnh Sơn Đông là một trong những nôi văn hoá của Trung Quốc. Sơn Đông nằm phía hạ lưu sông Hoàng Hà và nổi tiếng là vựa lúa mì của Trung Quốc. Trường phái ẩm thực Sơn Đông chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, văn hoá, địa lý, kinh tế và những phong tục địa phương. Các món ăn Sơn Đông mang đặc điểm: Vị nồng đậm, nặng mùi hành tỏi, nhất là món hải sản. Người Sơn Đông có sở trường làm món canh và nội tạng động vật.
Trường phái Quảng Đông
Trường phái ẩm thực Quảng Đông được cấu thành từ 3 truyền thống nấu bếp chính là Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang. Bếp Quảng Châu rất nổi tiếng và phong phú về thành phần, cách chế biến món ăn và đứng đầu trong trường phái Quảng Đông. Các món ăn Quảng Châu chủ yếu là các món chiên, rán, hầm có hương vị dịu nhẹ, khẩu vị thơm giòn và tươi.
Trường phái Tứ Xuyên
Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên gồm hai trường phái Thành Đô và Trùng Khánh, các món ăn rất đặc trưng với mùi vị và nồng ấm... Món ăn thuộc trường phái này đặc biệt chú trọng đến màu sắc, hương vị, hình, nhất là khá nhiều gia vị pha nồng đậm gồm: mặn, ngọt, chua, cay, thơm, đắng, trộn lẫn khéo léo, biến hóa linh hoạt. Từ đó, pha chế ra các chủ vị phức hợp làm cho món ăn rất độc đáo như: tê cay, chua cay, dầu đỏ, dầu trắng…
Trường phái Hồ Nam
Trường phái ẩm thực Hồ Nam được hình thành từ thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 221 sau Công nguyên) và phân thành 3 loại: bếp lưu vực Hương Giang, bếp khu vực hồ Động Đình và bếp miền núi Hồ Nam.
Trong đó, bếp lưu vực Hương Giang là đại diện tiêu biểu của trường phái ẩm thực Hồ Nam. Đặc điểm của bếp Hương Giang là món ăn có nhiều thành phần và cách chế biến rất tinh tế. Khẩu vị cơ bản của bếp này là nhiều chất béo, đặc, chua cay, hương vị thơm và nhẹ nhàng. Những thực đơn và nghệ thuật nấu nướng của các đầu bếp Hồ Nam đã được kiểm nghiệm qua 2.000 năm và đã được nâng lên tới mức hoàn thiện.
Trường phái Phúc Kiến
Trường phái ẩm thực Phúc Kiến rất đặc biệt bởi sự tinh tế về thực đơn và sự chuẩn bị công phu. Một số thành phần được chế biến theo cách đặc biệt, như: củ cải ở Phúc Kiến thường được thái lát rất mỏng như tờ giấy để dễ dàng trộn với nước xốt. Trường phái Phúc Kiến được hình thành trên cơ sở các bếp của nhiều thành phố như Phúc Châu, Hoan Châu và Hạ Môn. Nguyên liệu chủ yếu trong trường phái ẩm thực Phúc Kiến là hải sản, khi chế biến chú trọng vị ngọt, chua, mặn, thơm, màu đẹp vị tươi.
Trường phái Chiết Giang
Trường phái ẩm thực Chiết Giang gồm các món ăn của Hàng Châu, Ninh Ba, Thiệu Hưng. Nổi tiếng nhất trong nhóm này là các món ăn của Hàng Châu. Đặc điểm của các món ăn thuộc trường phái ẩm thực này là: tươi mềm, thanh đạm, không ngấy.
Trường phái Giang Tô
Trường phái ẩm thực Giang Tô gồm món ăn của các địa phương: Dương Châu, Tô Châu và Nam Kinh. Trường phái ẩm thực này rất nổi tiếng về các món hầm, ninh, tần. Chú trọng về món canh, bảo đảm nguyên chất nguyên vị.
Trường phái An Huy
Trường phái ẩm thực An Huy gồm các món ăn của miền Nam An Huy, cũng như khu vực dọc sông Trường Giang và Hoàng Hà. Các món ăn của vùng miền nam An Huy là nổi bật nhất với sở trường về các món ninh hầm, chú trọng về mặt dùng lửa.
Nền ẩm thực Trung Quốc luôn nắm giữ một vị trí hàng đầu thế giới vì sự tuyệt diệu và cầu kỳ của nó. Chỉ có đến Trung Quốc và thưởng thức, bạn mới có thể cảm nhận một cách đầy đủ về các trường phái ẩm thực này./.
N. Chiến