In bài viết

9 điều kiện để tổ chức tín dụng cổ phần niêm yết cổ phiếu

(Chinhphu.vn) – Các t ổ chức tín dụng cổ phần (TCTD) là Ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty tài chính cổ phần, Công ty cho thuê tài chính cổ phần phải đáp ứng đủ 9 điều kiện mới được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài.

14/09/2012 14:21

Ảnh minh họa

Thông tư số 26/2012/TT-NHNN quy định rõ 9 điều kiện gồm:

Thứ nhất: Có thời gian hoạt động tối thiểu là 2 năm tính đến thời điểm đề nghị.

Thứ hai: Giá trị thực của vốn điều lệ đến thời điểm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định hiện hành.

Thứ ba: Hoạt động kinh doanh có lãi trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán và báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán trong 2 năm liền kề trước năm đề nghị.

Thứ tư: Tuân thủ các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành liên tục trong 6 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.

Thứ năm: Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị.

Thứ sáu: Thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối quý liền kề trước quý đề nghị.

Thứ bẩy: Trong thời gian 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị, tổ chức tín dụng không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng dưới hình thức phạt tiền từ 30 triệu đồng trở lên.

Thứ tám: Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần có số lượng và cơ cấu đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ chín: Có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ Điều 40, Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

Về quy trình, thủ tục chấp thuận niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổ chức tín dụng lập 1 bộ hồ sơ theo quy định gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc tổ chức tín dụng niêm yết trên thị trường chứng khoán; trường hợp không chấp thuận, văn bản phải nêu rõ lý do.

Sau khi văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với việc tổ chức tín dụng niêm yết trên thị trường chứng khoán có hiệu lực, tổ chức tín dụng phải đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2012.

Thanh Hoài